Sau vụ việc một nhóm 16 du khách phản ánh nhà hàng Vua Hải sản tại phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh bán hàng với giá "mặn chát" lên một trang review du lịch vào tối 15/2, nhiều tranh luận trái chiều đã nổ ra. Cụ thể, giá bữa ăn cho 16 người hôm mùng 6 Tết gồm 11 món và đồ uống, tổng số tiền 11,758 triệu đồng.
Không đồng tình với quan điểm tố bị nhà hàng "chặt chém" của du khách trong vụ việc trên, độc giả Anhtuan phân tích: "Tôi thắc mắc rằng giá đã được nhà hàng báo trước rồi, nếu thấy đắt sao nhóm khách còn đồng ý ăn? Rồi khi phát hiện những vấn đề như lên sai món (hàu); thực phẩm có vấn đề, hư hỏng (ốc hương trứng muối) thì tại sao khách không phản ánh ngay lúc đó, chụp hình hay ghi âm lại ngay lúc đó rồi bắt nhà hàng phải thay món đúng chất lượng đã báo giá? Tại sao phải chờ đến khi ra bill tính tiền rồi lại đăng lên mạng làm gì?
Quyền lợi của khách hàng ăn tại nhà hàng phải tìm cách giải quyết ngay chứ? Nếu không tự được giải quyết hoặc không phục cách xử lý của nhà hàng thì cứ gọi hẳn công an xuống giải quyết tại chỗ, rồi sau đó mới tới lượt đăng bài cảnh báo lên mạng để cảnh báo người khác. Còn theo tôi, đi hải sản giá đó là bình thường, chưa thể gọi là đắt và cũng chưa phải là ăn món gì cao sang giá đắt cả, chưa kể lại còn là trong ngày Tết nữa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyenduyviet cho rằng: "Tôi thấy giá như vậy cũng hợp lý vì mùa Tết giá hải sản tăng 15-20%, lương trả cho nhân viên cũng gấp ba lần. Khách hàng cũng phải thông cảm với nhà hàng khi cố gắng duy trì hoạt động dịp này. Đi mùa lễ khách đông, ai cũng phải thông cảm với người làm dịch vụ. Còn về chất lương đánh giá sơ bộ thì tôi thấy giá ở đây tạm ổn, khách nên dễ tính một chút".
>> Suất bún chả 35.000 đồng có hai miếng chả đắt hay rẻ?
Trong khi đó, từ kinh nghiệm kinh doanh hải sản của bản thân, độc giả Trader phản đối cách tính giá của nhà hàng trong vụ việc trên: "Tôi có nhà hàng hải sản nhỏ. Giá tôi nhập vào như sau: bề bề cỡ đại 1 triệu đồng/kg (cỡ 10 con), còn giá loại như trong hình chụp của khách hàng trên có lẽ chỉ 150.000 đồng/kg thôi. Ngày Tết tôi cũng tăng giá nhưng không phải vô tội vạ như vụ việc này. Tôi xác định luôn là quanh năm khách ủng hộ mình rồi, nên mấy ngày Tết phải giảm bớt lợi nhuận xuống để phục vụ bà con chứ không nên lo kiếm lời lãi nhiều những dịp này".
Ở một phương diện khác, bạn đọc Ngocquy lại chỉ ra sự nhập nhằng trong cách báo giá của nhà hàng: "Nhìn mức giá với số người có vẻ như không quá đắt. Nhưng nếu đi vào chi tiết thì chúng ta mới thấy sự bất hợp lý ở đây. Bề bề 'sơ sinh' mà giá 850.000 đồng/kg thì quá chát. Ở chỗ tôi, bề bề bé như vậy không nhà hàng nào dám dọn ra cho khách. Ngoài ra, hai bát ruốc chân dài giá 2,1 triệu đồng cũng quá đắt. Tôi ở Nha Trang vẫn thấy vợ mua bạch tuộc bé xíu về nấu canh nên mà không đắt đến mức này.
Rồi còn hai tô canh ngao hoa giá 900.000 đồng mà ngao cũng bé xíu. Công nhận nhà hàng này bán cái gì cũng bé. Tính ra trung bình mỗi người ăn hết 750.000 đồng là ổn nhưng cũng phải xem đồ ăn thế nào, khách ăn được những gì. Chứ chỉ vỏn vẹn một lon bia, gần hai con hàu, gần một con bề bề, vài miếng ngao hoa... như thế kia thì chắc ăn xong phải đi ăn thêm mỳ gói".
"Làm sao để mức giá niêm yết tương xứng với chất lượng đồ ăn, đó mới là thứ cần giám sát. Hiện nay, tôi thấy một số cửa hàng treo giá loại một, nhưng thực tế bán hàng loại hai, loại ba, hay ăn bớt khối lượng đồ ăn khi dọn ra cho khác. Thế nên, không phải cứ có bảng giá công khai là nhà hàng muốn bán thế nào cũng được, hòng qua mặt du khách, ảnh hưởng tới cả ngành du lịch Việt Nam nói chung", độc giả Toquan kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.