"6 triệu đồng tiền vé đi Phú Quốc thì tôi thà bỏ thêm vài triệu là đã có tour trọn gói đi Thái Lan, Singapore rồi. Phải chăng ngành hàng không đang làm khó du lịch và cũng là tự làm khó chính mình?"
Đó là chia sẻ của độc giả Giang Tô trước tình trạng vé máy bay đến Phú Quốc đắt đỏ. Theo khảo sát sáng 10/4, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc từ 28/4 đến 1/5 thấp nhất khoảng hơn 5 triệu đồng, giờ bay đẹp có giá hơn 6 triệu đồng. Chặng TP HCM - Phú Quốc bay cùng thời điểm giá vé thấp nhất 3,3 triệu đồng, bay giờ đẹp khoảng 3,8 triệu đồng. Giá vé máy bay cao khiến các đơn vị lữ hành, người kinh doanh dịch vụ lưu trú "khổ sở" ngóng khách dù tìm mọi cách hạ giá dịch vụ.
Chỉ ra những bất cập liên quan đến giá vé máy bay nội địa tăng quá cao, bạn đọc Lời thật phân tích: "Giá vé máy bay đang phải gánh quá nhiều thuế và phí. Tôi nhớ có đọc được trong một bài báo rằng chuyến bay nội địa phải cõng hơn 20 loại thuế, phí. Thế nên, thay vì bay hai chuyến giá rẻ, các hãng tăng gấp đôi giá vé để bay một chuyến và chi phí giảm một nửa
Du khách than vé máy bay đắt đã đành, các tỉnh làm du lịch cũng than vé máy bay cao nhưng họ có giảm thuế, phí cho máy bay đáp xuống tỉnh mình không? Mấy khách sạn, resort cũng đâu có giảm giá mạnh để kéo khách, bù lại tiền vé máy bay đâu? Họ chỉ lo đợt này không được tăng giá vào dịp lễ mà thôi. Thôi thì thân ai nấy lo, nhà ai nấy giữ, nếu người làm du lịch có than thở thì xin hãy bớt trách móc. Ai cũng vì miếng cơm của nhà mình trước thì bao giờ du lịch chung mới phát triển?".
>> 'Vé máy bay tới TP HCM 30 triệu đồng, gia đình tôi đi du lịch Thái Lan'
So sánh với cách làm du lịch của Thái Lan, độc giả Edison Castle bình luận: "Cái hay của du lịch Thái Lan là các dịch vụ du lịch của họ luôn đồng hành, đồng bộ với nhau, nên luôn thu hút nhiều du khách. Còn du lịch Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược. Tới mùa cao điểm là thân ai nấy lo, mỗi người cố gắng hốt được càng nhiều càng tốt.
Họ không biết rằng du khách có nhiều lựa chọn khác, nên rõ ràng các dịch vụ du lịch trong nước đang đạp chân nhau. Tôi luôn muốn ủng hộ du lịch nội địa, nhưng mỗi khi có dịp nghỉ lễ là y như rằng giá cả không thể chấp nhận được, từ vé bay, xe cộ, khách sạn, tới dịch vụ ăn uống... nên rất nản".
"Kiểu làm ăn manh mún, mạnh ai người nấy làm, toàn đặt lợi ích cá nhân lên trước thì đây là hệ quả nhãn tiền. Điều gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó và thực sự là các bên chưa hề nhìn thẳng vào để cải tiến. Còn quy luật cung cầu thị trường, khách hàng bỏ tiền ra và họ có quyền chọn lựa sản phẩm vừa túi tiền vẫn chơi vui vẻ dành cho họ", bạn đọc Cockyhieu nói thêm.
Nhấn mạnh sai làm trong cách làm du lịch thiếu đồng bộ khiến du lịch Phú Quốc nói riêng và du lịch Việt nói chung ngày một khổ sở, độc giả Duongbichthien kết lại: "Kiểu làm ăn chộp giật sẽ chỉ được một thời gian ngắn, chứ không thể phát triển bền vững được. Khi khách hàng trong nước và quốc tế đã 'tẩy chay' rồi thì hối không kịp nữa.
Chúng ta cứ tranh thủ ngày lễ là tăng giá dịch vụ vô tội vạ, 'chặt chém' khách hàng thì ở đó đâu còn là 'thiên đường' nữa? Các nhà quản lý du lịch địa phương và Hiệp hội khách sạn, nhà nghỉ cũng như các loại hình dịch vụ khác nên khẩn trương ngồi lại với nhau, bàn bạc, thống nhất đưa ra mức giá rẻ, ổn định liên tục trong cả ngày bình thường và ngày lễ. Đồng thời, cần có cách thức quảng bá du lịch chung, chứ không phải cứ mạnh ai nấy làm như hiện nay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Rất vô lý nếu đòi hỏi Phú Quốc 'cái gì cũng phải rẻ'
- 'Giá vé máy bay đi Phú Quốc đắt vô lý'
- 3 điểm yếu nhất khiến du lịch Việt lép vế Thái Lan
- Tăng giá vé máy bay - 'tư duy làm du lịch chặt khúc'
- Vé máy bay trong nước tăng cao, sao vé nước ngoài rẻ?
- Phú Quốc cần hợp tác cùng hãng hàng không giảm giá vé máy bay