Theo kế hoạch Giáo dục phổ thông mới, Lịch sử sẽ thành môn học tự chọn ở bậc THPT. Việc này đã vấp phải nhiều tranh cãi thời gian qua, dù chỉ chưa đầy bốn tháng nữa là chương trình sẽ được triển khai.
Theo tôi, thời gian học Sử bao nhiêu năm không phải vấn đề quan trọng nhất. Điều cốt lõi trong việc quyết định chất lượng dạy và học môn Sử nằm ở phương pháp truyền tải kiến thức. Nếu dạy chất lượng, tôi tin chỉ cần bốn năm học ở cấp hai là dư sức để học sinh tiếp nhận hết các kiến thức cơ bản của môn này rồi.
Ở đây, mấu chốt là giáo viên là phải truyền cho học sinh được tình yêu với Sử. Có như vậy, chính học sinh cũng sẽ tự tìm hiểu thêm các kiến thức bên ngoài chứ không chỉ từ việc học trên lớp. Nói cách khác, học sinh cần phải chủ động tìm tòi, bổ sung kiến thức, còn vai trò của thầy cô chỉ là định hướng để các em tìm hiểu đúng hướng.
>> Học sinh Việt như những 'giáo sư biết tuốt'
Để làm được điều đó, tôi cho rằng, thay vì bắt học sinh phải học thuộc lòng từng con chữ, con số trong sách vở, rồi đánh giá các em qua các bài kiểm tra 15 phút, một tiết cứng nhắc, chúng ta nên học hỏi các nước có nên giáo dục phát triển, những phương pháp đánh giá, chấm điểm của họ ở bộ môn này. Ví dụ:
- Thay thế các bài kiểm tra 15 phút bằng hoạt động thực tế, ví dụ: khuyến khích học sinh đọc trước sách, xem trước một đoạn phim ngắn nào đó, để đến tiết học thầy cô sẽ đưa ra những câu hỏi về sự kiện, nhân vật đó, cho học sinh cùng thảo luận, trao đổi, tranh luận xung quanh nội dung được xem trước đó. Nói chung, phải có một sự tương tác qua lại giữa thầy cô và mọi học sinh trong lớp, không thể để giáo viên đứng lớp cứ nói một mình và học sinh cứ cắm mặt chép lại từ đầu đến cuối tiết như hiện nay.
- Thay thế các bài kiểm tra một tiết bằng những bài tập như cho học sinh xem một bộ phim sử liệu, trình bày lại bằng lời văn của chính mình về những nhân vật, sự kiện trong một, hai trang giấy...
Nói tóm lại, suy cho cùng, mục đích cuối cùng của việc học là để trang bị thêm kiến thức cho học sinh. Vì vậy, chương trình cần phải được điều chỉnh sao cho học sinh không cảm thấy nặng nề về mặt điểm số nữa, có như vậy mới có được hiệu quả thực chất.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.