Thông tin hai giáo viên ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp bị kiểm điểm vì ra đề kiểm tra học kỳ I, môn Văn lớp 8 có ngữ liệu "nhạy cảm", trích từ sách truyện cười dân gian đang gây tranh luận trái chiều. Nguyên nhân dẫn tới sự cố này do ngữ liệu trong phần Đọc hiểu của đề thi, với tiêu đề "Sao chưa mời tôi ăn", trích từ sách Tiếng cười dân gian Việt Nam của Trương Chính - Phong Châu. Nhiều người cho rằng ngữ liệu trong đề "thiếu tế nhị", "dơ bẩn", "mất vệ sinh".
Đồng tình với quyết định xử lý người ra đề thi này, độc giả Maisie nhận định: "Hãy dạy cho trẻ thứ tiếng Việt, cách hành văn đẹp đẽ ở trường học. Những thứ tiếng lóng, nói lái, ẩn dụ xàm xí chúng sẽ có thể học từ cuộc đời sau này. Có nhiều truyện dân gian không có tính giáo dục, bộc lộ những tính xấu như khôn lỏi, nói dối, tham lam, trả thù, chơi khăm, ích kỷ... không thể hiện được những phẩm tính tốt của dân tộc, thì tốt nhất không nên đưa vào sách".
Cũng không ủng hộ cách ra đề như trên, bạn đọc Mr Tee VN nhấn mạnh:
"Thứ nhất, về tổng thể, lấy một căn bệnh (hoặc tình trạng sức khỏe, ngoại hình) của người khác ra làm truyện cười là hành động mang tính kỳ thị.
Thứ hai, truyện xây dựng hình ảnh ông thầy lang sân si, giúp người có mục đích, luôn đòi báo đáp cũng là không ổn.
Thứ ba, bệnh nhân cũng khôn lỏi, lật lọng, gây cảm giác về một xã hội nhiều tật xấu.
Cuối cùng, tình tiết rình mò người khác đi vệ sinh cũng là rất phản cảm.
Tóm lại, đây chỉ nên là một truyện cười dân gian, lưu truyền trên bàn nhậu mà thôi. Có gì hay ho đâu mà đưa vào đề thi?".
>> Dẹp bỏ tư duy ra đề thi Văn phải đúng thực tế
Trong khi đó, với cái nhìn cởi mở hơn, độc giả Thanh Y lại đánh giá cao sự sáng tạo của người ra đề: "Đúng là trong truyện có những câu từ hơi khó nghe, nhạy cảm. Nhưng tôi thấy nếu suốt ngày ra những đề Văn với những ngôn từ mỹ miều, ca ngợi, rồi đưa học sinh vào lối mòn thì chưa hẳn đã hay. Cũng nên có những đề Văn phá cách để học sinh có thể tiếp xúc với thực tại xã hội.
Với câu chuyện, này về ngôn từ có thể không hợp, nhưng ta có thể khai thác nhiều điều từ nó. Có thể yêu cầu chỉ ra những từ ngữ nào không phù hợp, có những sự việc nào cần tránh, những điều xảy ra trong câu chuyện cho thấy tính cách nào của nhân vật, tính cách đó nên học hay nên phê phán...
Hồi nhỏ, tôi cũng đi thi học sinh giỏi Văn, học cùng các bạn giỏi mới thấy sự sáng tạo trong viết Văn và không đi theo lối mòn. Ví dụ, khi nói về truyện Tấm Cám, phần lớn học sinh chỉ là viết lại truyện hoặc đứng vai người kể là Tấm, nhìn sự việc một chiều. Tuy nhiên, tôi và các bạn học giỏi Văn kia lại kể dưới góc nhìn của Cám, của dì ghẻ, của bà tiên trong quả thị...
Và chúng tôi luôn được điểm cao với lối viết sáng tạo, mới lạ, không đi theo lối mòn như thế. Tuy nhiên, sau này cách chấm thi môn Văn theo barem đã làm giảm đi sự sáng tạo trong cách viết của học sinh".
Đó cũng là suy nghĩ của bạn đọc Nguyenduynamk: "Tôi cũng không thấy đề này có vấn đề gì nghiêm trọng. Dù rằng theo một khía cạnh nào đó thì không nên đưa truyện này vào một đề thi chính thức. Có rất nhiều truyện khác với ý nghĩa tương tự nhưng ngôn từ nhẹ nhàng hơn.
Ai cũng biết trong kho tàng truyện dân gian của ta có những câu truyện còn tục tĩu hơn rất nhiều. Nhưng đó là những câu chuyện trong cuộc sống, để nói miệng với nhau. Tuy nhiên tôi nghĩ dạy Văn không phải để tạo ra những nhà văn hay nhà thơ. Dạy văn là dạy cho các em cách tư duy và phản biện, cách suy nghĩ logic, cách sử dụng ngôn từ, ngữ điệu cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh hay trường hợp cụ thể. Như vậy, khi bước ra cuộc sống thực tế, các em sẽ biết được lời ăn tiếng nói cần được sử dụng như thế nào?
Ở tuổi 13, 14, các em đã đủ tư duy để hiểu được những câu chuyện như thế này. Và cuộc sống không phải lúc nào cũng mỹ miều và tích cực. Các em cũng cần được dạy và hiểu ý nghĩa của những thứ xấu xí và tiêu cực. Như vậy, khi bước vào cuộc sống thực tế, các em sẽ có tư duy để nhìn nhận, đánh giá và phân biệt được đúng - sai".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.