Trước những ý kiến cho rằng Đề kiểm tra Ngữ văn giữa kỳ lớp 11 của trường THPT Hai Bà Trưng thiếu thực tế, Thừa Thiên - Huế, nhiều độc giả VnExpress phản biện:
Việc giả định một tình huống trong đề thi là hết sức bình thường. Và việc để học sinh có sự lựa chọn các xử lý cũng là một sự tiến bộ so với việc áp đặt một quan điểm nào đó rồi bắt các em chứng minh. Còn những người lo rằng các em không có phòng riêng sẽ "chạnh lòng" hoặc "không biết làm sao" thì thật buồn cười.
Văn học (dù là nghị luận) vẫn cần có sự tưởng tượng, phân tích, và giả định. Không thể nào nói các em phải trải qua tình huống nào đó trong đời rồi mới viết bài nghị luận được. Mà từ nhỏ các em cũng đã gặp dạng đề như: tả con vật mà em yêu thích (dù có nhiều em không thích động vật), hoặc tả ông/ bà em (dù nhiều em chưa bao giờ được gặp ông bà).
Tôi thấy đề thi này hay. Nếu chưa có phòng riêng thì các em có thể giả định, đây cũng là cách nêu quan điểm, mong muốn của các học sinh. Thông qua bài thi, giáo viên cũng có thể hiểu hơn về các em học sinh của mình. Hơn nữa, đây đâu phải tưởng tượng gì quá cao siêu. Chẳng có gì thực tế cho mọi người. Ví dụ như yêu cầu tả về người thân mà em yêu quý, có phải ai cũng có người thân đâu? Quan trọng là cách học sinh bày tỏ tình cảm, khuyến khích tình yêu thương giữa những người thân của mình.
Lớp 11 đã đủ nhận thức, đủ để bắt đầu ra xã hội va chạm cuộc đời rồi mà nhiều người vẫn cho rằng cái đề này phản cảm? Khi các em lên đại học ở ký túc xá hay thuê trọ còn gặp hàng ngàn tình huống khó xử hơn như thế này. Ba, bốn người ở chung một phòng là chuyện bình thường, lúc đó các em sẽ ước gì được nhà trường và gia đình dạy cách thích nghi từ trước.
>> 'Bắt học sinh phân tích thơ như trẻ lên ba phải giải đạo hàm'
Đề thi hay vì dạy cho cả học sinh và phụ huynh. Nhà tôi không có phòng riêng cho con nhưng tôi vẫn ủng hộ đề thi này vì cần dạy cho con và phụ huynh lối sống văn minh, tôn trọng người khác. Các con cần được dạy để đi đâu cũng thích nghi được, ví dụ như khi đi du lịch, đi thi học sinh giỏi, thi đấu thể thao theo đoàn... chứ đâu cứ chỉ quanh quẩn trong nhà.
Theo tôi, đề thi hay vì giả định rất sát thực tế và hiểu tâm lý của lứa tuổi. Không nhất thiết đề ra phải đúng với mọi hoàn cảnh (mọi học sinh đều phải có phòng riêng). Ví dụ: đề Văn phổ biến nhất là tả mẹ, nhưng nhiều trẻ em mẹ mất, mẹ bỏ đi, không biết mẹ là ai... nhưng ai cũng thấy đề Văn tả mẹ là bình thường. Vậy tình huống giả định trong đề này cũng vậy.
Tôi là Cử nhân Ngữ văn và hoàn toàn ủng hộ để thi này. Vì là dân văn chương, nên tôi vẫn theo dõi việc dạy và học Văn lâu nay và mang nhiều nỗi niềm. Việc nhà học sinh không có phòng riêng không quan trọng, vì là đề thi nên đã có sẵn yếu tố mặc định. Học sinh phải đặt mình trong bối cảnh của đề thi và xử lý. Tôi đố quý vị ra một đề thi thực tế mà đúng 100% điều kiện và hoàn cảnh học sinh?
>> Bạn nghĩ sao về đề kiểm tra Ngữ văn trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.