Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rận mu còn được gọi là rận cua, chấy cua, rận bẹn, dài 1,25-2 mm, cơ thể hình bầu dục màu xám, phần đầu nhỏ, có 6 chân kèm móng vuốt.
Rận mu có ba giai đoạn phát triển gồm: trứng, nhộng và rận trưởng thành. Mỗi rận cái đẻ từ 2-3 trứng trong 24 giờ, trứng nở sau 6-8 ngày và chuyển qua giai đoạn nhộng. Nhộng con kiếm ăn bằng cách hút máu người trong khoảng 5-6 ngày trước khi lột xác trở thành cá thể rận mu trưởng thành. Mỗi con rận mu có vòng đời chưa tới một tháng. Cả ấu trùng và nhộng đều không thể sống sót quá 24 giờ nếu không được hút máu.
![Hình ảnh rận mu khi soi dưới kính hiển vi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/04/29/z4141496940339-a65707a145e2f6d-7794-6347-1682786576.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wir6xX9anPWxchsgcxnwRg)
Hình ảnh rận mu khi soi dưới kính hiển vi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nguyên nhân
Theo thống kê, thế giới có 2% dân số mắc rận mu. Tại Việt Nam, người mắc bệnh chủ yếu do các nhóm người nhập cư, sinh sống ở vùng kém phát triển. Chúng thường ký sinh ở người lớn, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục hoặc từ quần áo, chăn, drap giường...
Rận mu thường thấy tại các bộ phận có lông trên cơ thể người như vùng kín, hậu môn, mí mắt, ghi nhận tỷ lệ mắc nhiều hơn ở nam giới. Loài này có xu hướng ký sinh trên vật chủ suốt đời. Sau từ 5 ngày kể từ khi bị xâm nhập, cơ thể người bệnh sẽ ngứa nhiều, đặc biệt vào buổi tối.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngọc Bích, rận mu thường gây khó chịu, ngứa, dị ứng. Người bệnh gãi nhiều khiến da trầy xước, đóng vảy, chàm hóa, tổn thương rỉ dịch.... Nếu ở vùng kín, hậu môn dễ gây viêm nhiễm nam - phụ khoa, viêm loét, ngứa dữ dội làm khó chịu, mất tập trung trong công việc, ảnh hưởng đến giấc ngủ...
Ngoài ra, người bệnh còn bị sẩn ngứa đỏ như ghẻ ở vùng sinh dục, bẹn; các đốm da màu xanh xám do vết cắn gây nên; nhiễm trùng, chốc lở ở vùng da có nhiều lông; lông mi đóng vảy; cảm giác ngứa dữ dội vào ban đêm; sốt nhẹ...
Chẩn đoán và điều trị
Rận mu có thể chẩn đoán bằng mắt thường, thông qua kiểm tra lông mu, lông nách... để tìm trứng, nhộng và rận mu trưởng thành. Ở lông mi có thể sử dụng kính hiển vi.
Nếu trong gia đình có một người phát hiện mắc bệnh rận mu thì các thành viên còn lại cần được kiểm tra và cùng áp dụng các biện pháp điều trị, phòng ngừa.
Về cách điều trị, bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo người bệnh dùng kem bôi da diệt côn trùng đặc biệt, kết hợp thuốc uống, dầu gội, sữa tắm, xà bông tắm ghẻ, xà bông tiệt trùng... trong ít nhất 7 ngày. Nếu rận mu có trên lông mi, nên khám bác sĩ khoa mắt để được tư vấn. Bác sĩ cũng lưu ý bệnh nhân không gãi nhiều để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng, kiêng quan hệ tình dục ít nhất 7 ngày.
Ngoài ra, drap giường, nệm, chăn, gối, chiếu, quần áo... cần giặt và khử trùng thường xuyên; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Sau điều trị, nên thay đồ lót mới, không dùng chung quần áo, đồ lót với người nhiễm rận mu, đồng thời tẩy lông vùng kín và lông ở các bộ phận khác. Để phòng tránh tái nhiễm, nên thường xuyên kiểm tra tóc, nách, vùng kín..., nếu phát hiện trứng hay rận, cần gỡ bỏ và điều trị lại.
Đinh Tiên