Gần đây tôi đọc được nhiều bài viết về đòi hỏi lương nghìn đôla của các bạn sinh viên khi mới ra trường, và câu chuyện đánh giá thái độ của các nhà tuyển dụng, cũng như những bình luận "bá đạo" thiên về cảm xúc của "chủ nghĩa trọng sĩ" (trọng lâu năm, ngồi lâu thăng chức).
Vậy câu hỏi đặt ra là sinh viên ra trường đòi lương nghìn đô có vấn đề gì không, thái độ của nhà tuyển dụng có sao không, làm gì để hợp tác được với nhau?
Để làm việc hay hợp tác được với nhau thì chúng ta đều cần một thứ đó chính là "niềm tin". Không một tập thể hay một công ty, tổ chức kinh doanh, chính trị, xã hội nào không thành lập dựa trên niềm tin. Sự thiếu niềm tin là căn nguyên của mọi sự sụp đổ các hệ thống tổ chức.
Do đó, để nhà tuyển dụng và nhân viên hay các bạn sinh viên có thể làm việc, hợp tác được với nhau thì niềm tin là thứ sẽ quyết định các nhân sự có ở cùng với các nhà tuyển dụng trong một tổ chức hay không.
Vậy nên, trong một buổi phỏng vấn "mẫu mực" phải là nơi mà niềm tin bắt đầu được hình thành và xây dựng chứ không phải là một quan tòa xét xử hay một nơi để đả kích nhau.
Buổi phỏng vấn sẽ chẳng đạt được vấn đề gì nếu hai bên thiếu niềm tin và bắt đầu công kích nhau. Vấn đề là làm sao để có niềm tin giữa ứng viên và nhà tuyển dụng?
>> Yêu cầu tuyển dụng cả trang A4 nhưng lương chỉ 5 triệu đồng
Về phía nhà tuyển dụng thì họ sẽ tìm cách "tối đa hóa lợi nhuận" do đó sẽ tìm cách thuê ứng viên với giá "rẻ mạt" nhất có thể. Về phía ứng viên thì cũng sẽ tìm cách "tối đa hóa lợi nhuận" bản thân do đó sẽ tìm cách bán mình với giá cao nhất có thể.
Trước đây, khi xã hội loài người chưa có thói quen giải quyết bằng khoa học thì đã xẩy ra tình trạng sử dụng "quyền lực, địa vị xã hội" tối đa để giải quyết vấn đề, tạo ra sự thúc ép, bắt buộc... để tối đa hóa lợi nhuận bằng cưỡng chế, bóc lột. Hậu quả là các phong trào đấu tranh... đã diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Ví dụ kinh điển trong thời kì này là cuộc chạy đua tổng tài sản của John D. Rockefeller (đại tư bản dầu mỏ) và Andrew Carnegie (đại tư bản ngành thép) ở Mỹ. Hai ông đã liên tục đố kị và ganh đua xem ai là người giàu nhất thế giới lúc đó dù chẳng bao giờ tiêu hết số tiền mà họ đã có được.
Để tối đa hóa lợi nhuận của mình nhằm gia tăng khối tài sản để vượt qua được John D. Rockefeller thì Andrew Carnegie đã bắt công nhân của mình làm việc 12h một ngày và thuê một chủ tịch mới cho công ti thép có thiên hướng dùng "roi da, xích sắt" để cưỡng ép công nhân làm việc tối đa.
Vì làm việc 12h một ngày công nhân đã mệt mỏi và có nhiều sai sót trong công việc dẫn tới chết người. Điều kiện "tối đa hóa lợi nhuận" khắc khổ đã tạo ra phong trào công nhân trong chính nhà máy thép.
Do đó, các nhà khoa học kinh tế đã từ bỏ việc sử dụng thành quả của "thuốc nổ", sức mạnh khoa học hủy diệt để "tối đa hóa lợi nhuận" bằng cưỡng bức sang hình thức văn minh hơn đó là "tối đa hóa lợi nhuận" theo công thức khoa học của "cung cầu", kinh tế thị trường.
Ví dụ kinh điển trong phương pháp này chính là bài toán của hãng sản xuất nước ngọt đóng chai Coca Cola. Đã bao giờ bạn tự hỏi "tại sao một chai Coca Cola có giá thành như vậy mà không cao hơn, hay thấp hơn chưa?".
Ví dụ thời điểm chai Coca Cola có giá 13 nghìn đồng trên thị trường. Tại sao lại là 13 nghìn mà không phải là 14, 15 nghìn hay không phải là 12, 11 nghìn đồng? Vì ở đó khoa học về kinh tế cung cầu đã được tính toán để đưa ra cái giá 13k. Vì cuộc điều tra thị trường tại Việt Nam đã cho ra kết quả là người Việt mỗi ngày tiêu thụ hết 100.000 chai Coca Cola.
Nếu bán với giá 14 nghìn thì mỗi ngày chỉ bán được 80.000 chai như vậy sẽ bỏ phí 20.000 chai bị đổ. Nếu bán với giá 12 nghìn thì sẽ không có lợi nhuận tối đa. Do đó, để bán hết và vận hành hết công suất sản xuất thì giá 13 nghìn đồng là hợp lý nhất, vừa bán được 100.000 chai mỗi ngày đúng với nhu cầu thị trường vừa tạo thói quen, vừa vét hết khoản chi phí bỏ ra uống nước của người dân.
Nếu không vét hết thị trường sẽ tạo thị trường ngách, bỏ rơi cho các đối thủ khác vươn lên nhờ chiếm thị phần đó. Ví dụ tiếp theo là bia rượu cũng vậy. Tại sao mỗi chai bia có nồng độ cồn chỉ là 5%-11% mà không nhiều hơn, cũng không ít hơn?
Đây cũng là bài toán tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học kinh tế cung cầu. Vì với tỷ lệ như vậy sẽ khiến con người mỗi ngày uống được một đến hai lon bia mà không ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều lắm và cũng có thể đi làm để kiếm tiền để tiếp tục mua bia, cũng như để tỉnh táo để hôm sau sẽ tiếp tục uống bia mà không bị "ngán bia".
>> 'Nhiều cử nhân thất nghiệp vì ảo tưởng sức mạnh'
Một người vừa đi làm, vừa uống bia thường xuyên sẽ tạo ra tổng lợi nhuận lâu dài và cao hơn một người uống một lít rượu quốc lủi để rồi cả tuần không làm việc, không uống thêm chén rượu nào nữa.
Quay trở lại vấn đề ứng viên và nhà tuyển dụng cũng vậy. Do sự thiếu vắng niềm tin giữ ứng viên và nhà tuyển dụng. Một xã hội thiếu niềm tin thì không thể phát triển. Một tổ chức thiếu niềm tin thì không thể phát triển. Tỷ lệ niềm tin sẽ có cùng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp hay quốc gia đó.
Do đó, cần có nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề xác định giá trị và xây dựng niềm tin của ứng viên và nhà tuyển dụng, cũng như thay đổi cách giáo dục để tạo ra niềm tin dựa trên khoa học kinh tế cung cầu chứ không phải là "đấu tranh giai cấp" để nghi ngờ nhau.
Vậy một sinh viên ra trường có quyền đỏi hỏi lương nghìn đô không? Thưa rằng có nếu bạn chỉ ra rằng với mức lương đó là cách tối đa hóa lợi nhuận có lợi để xây dựng niềm tin có lợi lâu dài cho doanh nghiệp.
Vậy một nhà tuyển dụng trả lương "rẻ mạt" có đúng không? Thưa rằng đúng nếu nó dựa trên khoa học cung cầu để tối đa hóa tổng lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Nó sai khi bạn đưa lợi nhuận một vài hợp đồng bạn ký được nhất thời nhưng về lâu, về dài ứng viên sẽ bỏ đi, do đó tổng lợi nhuận cho cả doanh nghiệp sụp giảm.
Vậy làm sao chứng minh sinh viên ra trường có thể đòi lương nghìn đô mà vẫn đáp ứng được tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp? Đó chính là quy tắc 10.000 giờ học tập, làm việc có chủ đích.
Bằng chứng khoa học đã chỉ ra răng nếu bạn luyện tập có chủ đích suốt 10.000 nghìn giờ cho một kỹ năng công việc nào đó bạn sẽ thành "ngôi sao" trong lĩnh vực đó.
Các giáo viên, chuyên gia không chuyên, nghiệp dư không có ai duy trì quá ba giờ luyện tập mỗi ngày cho kỹ năng công việc của họ. Ngược lại nghiên cứu chỉ ra rằng các ngôi sao trong nghề nghiệp có tốc độ khổ luyện rất cao nên họ đã nhanh chóng tích tụ 10.000 giờ khi còn đội tuổi đôi mươi.
Khi bạn có đủ 10.000 giờ làm việc, học tập, luyện tập thì giá trị của bạn rất lớn. Lúc này không đem số tuổi hay mới ra trường ra để đàm phám mà hãy dùng con số 10.000 giờ để thương thuyết với nhà tuyển dụng.
Vậy tại sao lại có nhiều nhân viên văn phòng 30-40 tuổi vẫn lương thấp, và không là ngôi sao? Vì thực ra họ làm việc rất ít. Mỗi ngày họ làm việc chỉ vài ba tiếng, còn lại là lướt nét, làm chuyện vô bổ, không nhiều ý nghĩa.
>> 'Cử nhân thất nghiệp nhiều vì nhà tuyển dụng đố kỵ và thiếu trách nhiệm'
Khi làm việc có chủ đích suốt 10.000 giờ thì họ phải thấy chán với công việc hiện tại của họ và sẽ vượt ra vùng an toàn để sáng tạo cái mới, tìm cơ hội mới. Nếu vượt ra vùng này càng sớm và chưa bị ràng buộc gia đình thì ở độ tuổi 30-40 tuổi bạn sẽ mạo hiểm và thành công, già hơn thì bị ràng buộc, trẻ hơn thì chưa biết nắm cơ hội.
Đây cũng là nguyên nhân của phong trào "work smart than work hard" vì họ chỉ nhìn vào thành quả của những người "lười biếng" ở tuổi 30-40 đang thất bại này. Thực sự bạn chỉ có thể "work smart" thì bạn đã "work hard" đủ nhiều.
Trí thông minh, khả năng sáng tạo nằm ở số lượng trải nghiệm công việc, khi có đủ bạn mới có thể sáng tạo, không một kẻ lười biếng nào thông minh được. Các thiên tài, thần đồng thường biến mất khi trưởng thành lý do là vì họ đã không luyện tập tiếp để người chăm chỉ vượt qua họ.
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.