(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sau khi đọc bài viết "Sếp từ chối tăng lương vì tôi là nhân viên mới" tôi có một số ý kiến từ góc mình của mình muốn chia sẻ đến mọi người: Do tác giả Minh Khôi không chia sẻ chi tiết nên tôi có một số điểm không rõ như: Thời gian bạn làm việc đến lúc đề nghị tăng lương ở công ty cũ? Quy mô hai công ty? Hiện tại bạn đang quản lý một phòng ban bao nhiêu người? Hiện tại bạn có được coi là thành công hay không (hay đã có những thành công gì)...?
Đồng ý với quan điểm là khi người lao động tạo ra nhiều giá trị thì cần nhận lại một mức thu nhập tương xứng. Nhưng, để đo lường được giá trị tạo ra và thù lao xứng đáng là câu chuyện khác, và mỗi người lại có góc nhìn khác, nhất là với các bộ phận khá đặc thù như Nhân sự.
Hiện tại, tôi cũng là một quản lý cấp trung của một công ty khoảng 60 nhân sự, trải qua một chặn đường dài hơn 7 năm từ khi là một start-up chỉ 4-5 người (nhớ hồi 2016 có đứa em vào làm 3 tháng mà không có lương (vì nó là sinh viên học việc, mà công ty lúc đó cũng còn khó khăn) nhưng vẫn cố gắng cày cuốc tời giờ cũng lên trưởng nhóm, thu nhập gấp 3, 4 lần và nhiều anh em khác nữa) nên cũng coi là có chút trải nghiệm.
>>'Đừng đòi hỏi nhân viên tâm huyết khi chưa trả lương xứng đáng'
Và góc nhìn từ tôi như sau: Với một sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm, thiếu nhiều kỹ năng, công ty nhận bạn, đào tạo bạn, cho bạn môi trường để học tập và làm việc, trả lương cho bạn... Thì đó là một sự may mắn, một cái duyên và nên cảm ơn về điều đó (Có lớp học nào mà trả lương ngược lại như vậy không? Đi học 4 năm đại học cũng mất ít nhất vài trăm triệu rồi).
Khi bạn so sánh mình với những người cũ ở công ty với góc nhìn thiệt hơn và nhận xét họ không nhiều năng lực (theo cách bạn mô tả), liệu lúc đó bạn (một sinh viên mới ra trường) có năng lực đánh giá được tất cả khối lượng của mọi người, quá trình họ cố gắng, đóng góp, cống hiến cho công ty, và cùng công ty vượt qua những khó khăn gì?
Bạn giúp công ty tính lương chính xác, ở góc nhìn của tôi, đó là một nhân viên đà hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần giúp công ty hoàn thiện việc tính lương cho công nhân viên. Vậy, nếu không có sự đóng góp đó của bạn thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Công ty vẫn tính lương như cũ, mất thêm thời gian để đối chiếu, sửa lỗi, out source một đơn vị bên ngoài; thay đổi đơn vị cung cấp ERP; thuê một nhân viên chuyên về excel... Nói chung, công ty cũng không thể "sập" vì vấn đề này được.
>>Tôi được tăng lương sáu lần trong ba năm nhờ dám thay đổi
Nói như vậy không hẳn là có ý phủ nhận công lao và sự cố gắng của bạn, nhưng liệu nó đã đủ để được tăng lương hay chưa? Tôi thấy ở trường hợp này "thưởng" là phù hợp. Bạn chia sẻ đang là quản lý, không biết tiêu chí bạn tăng lương cho cấp dưới như thế nào?
Sếp khen bạn giỏi có nghĩa là phần nào đã công nhận năng lực của bạn, nhưng chưa tăng lương "ngay" được có thể vì bạn "mới" cần thêm thời gian để đánh giá (năng lực, tính cách, thái độ) hoặc đơn giản là chưa đến đợt tăng lương...(tôi có nhiều bạn bè làm bên ngân hàng, muốn tăng lương nhanh chỉ có lên chức hoặc "nhảy việc" chỗ khác chứ để tăng lương ở nơi hiện tại thì phải đủ biết bao nhiêu chỉ tiêu, điều kiện; nhiều người hai năm lương không tăng).
Khi bạn coi là "làm được việc" thì đòi tăng lương, vậy khi bạn không làm được việc hoặc kết quả không tốt, bạn có đồng ý bị giảm lương không? Hay lại như bài "Tôi bỏ việc lương 17 triệu đồng vì bị sếp đối xử bất công" ?
Bản chất mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động theo tôi nghĩ là "hợp tác"; anh giải quyết công việc cho tôi, tôi trả anh số tiền xứng đáng và gánh tất cả chi phí, rủi ro... hàng tháng anh nhận đủ lương (và thưởng).
>> 'Tôi hài lòng với lương 5 triệu đồng'
Khi một trong hai bên cảm thấy không còn phù hợp hoặc quyền lợi bị ảnh hưởng thì ngừng hợp tác (nên luật lao động quy định người lao động nộp đơn đủ 30 ngày thì đơn vị sử dụng lao động bắt buộc phải giải quyết – như cách tác giả đã làm).
Còn về việc tăng lương gấp 3 lần thì cũng không nói lên được quá nhiều điều. Từ 3-4 triệu cộng thêm đã có kinh nghiệm thì qua chỗ mới được trả 8-10 triệu là bình thường, chưa tính tới những yếu tố khách quan khác (ví dụ: Cần tuyển gấp để giải quyết công việc nào đó, quy mô công ty lớn và mặt bằng trả lương cao...).
Quan điểm của tôi là người trẻ nên cố gắng lăn xả, va chạm thật nhiều để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện nhân cách và phong cách; cho đi cũng là cách để mình nhận lại.
Đừng lúc nào cũng chăm chăm nghĩ đến tiền, lương thấp hơn một chút cũng không đói được, mà lương cao hơn một chút cũng không làm mình giàu lên được. Để sống và phát triển chúng ta cần những thứ nhiều hơn thế.
Chân thành, nhiệt huyết, tích cực và không tư lợi, các bạn trẻ còn nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh và những người đi trước và sẽ thành công. Đừng bao giờ nghĩ mình là ngôi sao, là người quan trọng, không ai là không thể thay thế! Có vị tiến sĩ từng nói với tôi rằng: Từ 20 đến 30 tuổi là để học, tạo dựng mối quan hệ; Từ 30 đến 40 mới là thời điểm để phát triển sự nghiệp, xây dựng gia đình, kiếm tiền... "No pain, no gain"- Không vấp ngã, không thành công.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phan Toàn