Khi mới tốt nghiệp ra đi làm, tôi cũng giống bạn Lê Tấn Lam Anh, phải chui xuống gầm máy đầy dầu mỡ cùng sửa chữa với thợ. Máy móc mà nhà trường dùng cho chúng tôi thực hành rất cũ kỹ, đến mức ngay cả người Việt Nam cũng không dùng nữa. Nhà trường không có tiền mua máy móc mới hơn cho chúng tôi thực tập.
So sánh giữa máy cũ và máy mới, nguyên lý không có gì khác biệt nhưng cấu tạo thì khác rất nhiều. Bạn có thể tưởng tượng một cái xe hơi ở thập niên 1950 đem so với một cái xe hơi ở đầu thế kỷ 21. Tôi phải chui xuống gầm máy như vậy suốt 5 năm mới nắm bắt kịp công nghệ mới, bằng với thời gian tôi học đại học. Có dịp tiếp xúc với đồng nghiệp nước ngoài, tôi mới biết họ không phải mất thời gian 5 năm ấy.
Cái 5 năm ấy của tôi cũng giống như của bạn Lam Anh, là 5 năm tự đào tạo, bắt kịp với cái đang diễn ra trong thực tế mà lẽ ra chúng tôi phải được dạy ở nhà trường. Đó là thời kỳ nước ta vừa mới mở cửa, doanh nghiệp thiếu kỹ sư nên tôi có dư dả thời gian 5 năm để tự đào tạo lại nghề nghiệp của mình.
>> Sinh viên bằng giỏi chứng tỏ tiềm năng khi vào công ty
Trong 5 năm chúng tôi tự đào tạo ấy, các kỹ sư đồng nghiệp ở nước ngoài đã cải tiến nhiều lần những máy móc đang có, dần tiến tới phiên bản mới hơn, chuẩn bị cho đời công nghệ tiếp theo. Cứ mỗi thế hệ kỹ sư, chúng ta bị lãng phí đi 5 năm như thế, bao giờ mới bắt kịp họ?
Tôi cho rằng, nếu cứ chậm chạp thì sẽ không bao giờ theo kịp, thậm chí là ngày càng tụt hậu. Sẽ có người nói ai đó tốt nghiệp kỹ sư ở Việt Nam rồi đi làm cho công ty Tesla. Thực tiễn và lý thuyết có khác gì vật chất và ý thức? Đào tạo lý thuyết suông là thiên về ý thức. Thiên về ý thức như vậy làm sao chứng minh vật chất quyết định ý thức ? Ai học đại học chẳng học qua triết học duy vật biện chứng?
Bạn có thể không biết lý thuyết nhưng bạn giỏi thực hành thì vẫn làm được việc. Vậy thì, người ta đào tạo lý thuyết cho bạn để làm gì ? Để sáng tạo, để dựa vào thực tiễn đúc kết ra lý thuyết mới hơn chứ không phải là xài cái lý thuyết đã học ấy cả đời. Lý thuyết cũ luôn là nền tảng, là chỗ dựa cho lý thuyết mới. Và, trường đại học của chúng ta chỉ dạy cho chúng ta xài cái lý thuyết ấy cả đời chứ không có sáng tạo ra cái gì mới hơn.
>> Nhà tuyển dụng thích CV tốt hơn bằng đại học loại giỏi
Điều này tạo ra ảo tưởng cho sinh viên là với lý thuyết ấy họ có thể làm được bất cứ việc gì. Lý thuyết luôn được đúc kết từ thực tiễn. Theo trình tự thời gian, một lý thuyết được chứng minh là đúng và đưa vào giáo trình giảng dạy thì thực tiễn đã vượt qua cái lý thuyết ấy ít nhất một thế hệ.
Tức là, những lý thuyết mới nhất, sát với thực tế nhất vẫn còn đang phải kiểm chứng, xác minh. Còn ta, lý thuyết của ta là du nhập từ nước ngoài vào chứ chẳng có ai sáng tạo ra lý thuyết nào. Đã là thứ du nhập, mua bản quyền đương nhiên với người bán, nó đã rất cũ rồi, gần như chỉ dùng để tham khảo.
Còn lý thuyết mới nhất họ sẽ không bán cho ai hết. Họ phải giữ vững bảng xếp hạng của họ. Vậy, đại học Ta có thể so với đại học Tây? Quan sát hiện tượng – đề xuất ý tưởng mô phỏng – thực hành chứng minh – đúc kết quy luật tạo ra lý thuyết – dựa vào lý thuyết để đào tạo kỹ năng – thực tập để ứng dụng kỹ năng ấy. Đó là quy trình hoạt động của họ. Còn ta, chỉ có ba cái sau, thậm chí mất đứt luôn cái cuối cùng.
Trong sáu bước này, bước thực hành chứng minh cực kỳ tốn kém, phải thí nghiệm, thực nghiệm vô số lần mới cho ra kết quả mong muốn. Để có nguồn cung tài chính khổng lồ cho bước này, trường đại học phải gắn liền với doanh nghiệp. Đó là lý do các viện đại học danh tiếng luôn có một hệ thống các doanh nghiệp trực thuộc.
Chẳng có sinh viên nào biết làm việc ngay? Chính xác. Nhưng, trong quá trình thực tập tại các công ty trực thuộc viện đại học, họ đã biết phải làm việc như thế nào. Đó là lý do họ tốt nghiệp xong ra xin việc làm việc luôn, không phải đào tạo lại. Còn ta, tốt nghiệp xong ra đi làm, ta mới bắt đầu cái quá trình thực tập đó. Bản thân tôi phải mất 5 năm cho quá trình đó, đúng bằng thời gian tôi học đại học. Và, cái quá trình thực tập ấy, doanh nghiệp phải chịu phí tổn.
>>Nhà tuyển dụng thích CV hay bằng đại học được xếp loại?
Như vậy có công bằng với doanh nghiệp không? Rồi bạn tự hỏi tại sao bạn chậm được tăng lương ? Cái việc đào tạo lại ấy đâu có miễn phí, nó vẫn được tính thành tiền và họ trừ vào lương của bạn, hoặc, bạn được nhận mức lương thấp hơn mức lương lẽ ra bạn được nhận. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô chưa đủ lớn, không đủ khả năng tài chính để đào tạo lại nhân lực, trả lương thấp hơn nữa thì không ai làm, họ phải làm sao? Tất yếu là họ sẵn sàng trả lương cao cho người có kinh nghiệm mà không chấp nhận đào tạo lại sinh viên mới ra trường.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm