Khi đọc qua các bài viết về các nhà tuyển nhân sự khi phỏng vấn sinh viên đại học mới ra trường, họ đều có cùng quan điểm và tư tưởng rằng sinh viên mới ra trường không biết gì, không có kinh nghiệm cụ thể, hoặc là thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản. Nhưng khi đọc qua cách tuyển nhân sự của họ thì tôi thấy rằng bản thân họ chưa học đại học bao giờ và nghiêm trọng hơn là họ không có kinh nghiệm gì về tuyển nhân sự, và thiếu chuyên nghiệp.
Thay vì làm nhiệm vụ tìm nhân sự thích hợp cho công ty thì các nhà tuyên dụng lại coi đó là một cái quyền và một sự ban ơn cho những người xin viêc. Họ cố gắng thể hiện mình là người "thành công" không cần học đại học. Nếu các bạn đòi hỏi sinh viên phải biết kỹ năng cơ bản, nhưng kỹ năng cơ bản bao hàm khá chung chung, bơi lội cũng là kỹ năng cơ bản, vậy có phải vì tôi không biết bơi nên không được nhận vào, mặc dù công việc chẳng liên quan gì tới nước?
Các bạn nói rằng khi hỏi sinh viên đại học ra trường chẳng biết gì, vậy nhưng câu hỏi của bạn là gì? Và những câu hỏi đó liên quan đến bộ môn học trong đại học không?
Nếu là về kinh nghiệm chuyên môn thì tất nhiên làm sao họ biết. Nếu họ hỏi ngược lại bạn quá trình và kinh nghiệm học đại học thế nào thì bạn có biết không? Vì thế chúng ta không thể áp đặt người khác phải biết những gì mình biết nếu không liên quan gì tới công việc tuyển dụng. Vì tất cả chúng ta đều bắt đầu từ người không biết gì.
(Xem thêm: Chê lương 15 triệu và giờ thất nghiệp)
Khi hẹn một người phỏng vấn thì điều đầu tiên chúng ta phải đọc qua lý lịch trong hồ sơ xin việc và người đó tương đối đã đạt yêu cầu công ty đề ra. Công việc của tuyển nhân sự là hỏi nhưng câu hỏi liên quan đến những gì "họ biết" và viết trong hồ sơ.
Nếu công ty cần người có kinh nghiệm và tay nghề lâu năm thì những hồ sơ của các sinh viên mới ra trường sẽ bị loại bỏ ngay từ vòng đầu. Nếu bạn vẫn gọi sinh viên đại học mới ra trường phỏng vấn thì người đâu tiên thiếu kỹ năng và kinh nghiệm đó chính là bạn.
Một công ty đang thiếu người làm công việc khóa sổ hàng ngày và viết báo cáo xong gởi email. Vì công việc không quá phức tạp, nêǹ công ty chỉ yêu cầu tìm người không cần kinh nghiệm và tiêu chí phải trình độ đại học, vì người học đại học tất nhiên sẽ viết báo cáo tốt hơn người học cấp một. Khi tiếp nhận hồ sơ tôi sẽ ưu tiên bạn đại học mới ra trường vì họ đáp ứng đúng tiêu chí công ty đề ra.
Khi phỏng vấn tôi chẳng quan tâm họ có biết nhiều ngôn ngữ hoặc kỹ năng cơ bản biết bơi hay không, điều tôi quan tâm là họ có thể làm chung nhóm và thời gian có phù hợp hay không. Sau khi phỏng vấn nhiều người và chọn ra người như ý, lúc đó thương lượng về lương.
Thỏa thuận về lương giống như đi mua hàng chợ trời, chúng ta ra giá và họ có quyền trả giá. Nếu không thống nhất được thì chúng ta gọi người kế tiếp. Chúng ta không nên than phiền tại sao họ lại đòi hỏi lương cao vì chắc gì giá chúng ta đưa ra là hợp lý?
Khi các bạn nói rằng "tuyển trung cấp có tay nghề hơn là tuyển cử nhân đại học không biết gì" thì bạn đã mắc sai lầm khá nghiêm trọng. Bởi vì trung cấp dạy nghề thì đạo tạo ra một người thợ, nhưng trường đại học tạo ra những người kỹ sư.
Bởi vì công ty đang dư thợ và thiếu kỹ sư nên yêu cầu bạn tìm kỹ sư, nhưng bạn lại ngang nhiên đem anh thợ thay vị trí kỹ sư. Công việc của kỹ sư thì chẳng liên quan gì tới công việc anh thợ hồ, vậy thì vì lý do gì bạn lại chọn anh thợ hồ thay vì anh kỹ sư xây dựng?
(Xem thêm: 'Thạc sĩ thất nghiệp vì thích ngồi máy lạnh')
Lý do công ty chọn những kỹ sư mới ra trường là vì nếu chọn kỹ sư giàu kinh nghiệm thì phải trả lương cao và rất khó tìm, bởi đa phần họ đều ổn định. Vì thế công ty chấp nhận chọn sinh viên ra trường để đào tạo và trả lương thấp. Tất nhiên đào tạo một sinh viên mới ra trường sẽ tốn ít thời gian và an toàn hơn anh thợ hồ giàu kinh nghiệm với trình độ cấp một.
Khi ra trường tôi xin vào làm nên chẳng liên quan gì tới nghành tôi học và cũng không cần trình độ đại học. Người quản lý của tôi trình độ cấp 2 ở Việt Nam, vì làm việc lâu năm nên được lên chức. Khi mới vào làm thì anh ta nói với tôi rằng "học cho lắm vào cũng làm cu li" và anh ta tâm đắc rằng mình đã rất thành công không cần học đại học.
Nhưng vào những năm suy thoái công ty cho nghỉ bớt nhân viên thì anh ta nằm trong số đó. Với kinh nghiệm lâu năm quản lý, anh ta đi tìm việc với hy vọng sẽ tiếp tục làm quản lý, nhưng các công ty chỉ nhận anh ta vào làm công nhân thường vì cái kinh nghiệm quản lý của anh ta chỉ thích hợp với công ty cũ, không thể áp dụng với công ty mới.
Kinh nghiệm anh ta có được giống như là "sống lâu lên lão làng". Và bây giờ khi gặp lại tôi và biết được nhờ học đại học tôi mới có công việc và lương tốt hơn anh ta rất nhiều, thì anh ta lại thốt lên rằng "biết vậy hồi đó bỏ thêm thời gian đi học".
Tôi cũng mong rằng các nhà tuyển dụng không học đại học sau này không phải thốt lên điều đó khi gặp lại những người mà họ cho là không biết gì. Sinh viên mới ra trường thất nghiệp, trung cấp tay nghề vẫn thất nghiệp, thậm chí người không có học vẫn thất nghiệp. Vậy tại sao các bạn lại quy kết cho sinh viên đại học vì siĩ diện nên mới thất nghiệp?
Tôi đã từng làm thợ hồ và tôi biết xin làm công việc thợ hồ tương đối là dễ dàng, nhưng nếu không quen biết thì bạn cũng khó chen chân vào được. Chung quy lại khi công việc phỏng vấn nhân sự giống như là thẩm định lý lịch. Các bạn phải hỏi những câu hỏi mà họ biết thông qua hồ sơ, nếu họ không trả lời được thì đánh rớt.
Chúng ta đánh rớt không phải vì họ không biết gì, mà chúng ta đánh rớt họ vì khai gian trong liý lịch. Các sinh viên đại học sẽ còn thất nghiệp dài dài nếu các nhà tuyển dụng vẫn còn đố kỵ và thiếu trách nhiệm trong khâu tuyển nhân sự
Bang Nguyen
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.