Trước hết tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn rằng sinh viên Việt Nam ít được học thực hành, đó là thiệt thòi của các em. Bên cạnh đó, các trường đại học Việt Nam dạy cũng không chất lượng bằng trường đại học nước ngoài, đó là điều kiện của một nước nghèo đang phát triển.
Tôi đã có chín năm giảng dạy đại học nên tôi có thể hiểu được cả thầy lẫn trò tại Việt Nam.Vấn đề cơ bản cần cải tổ, đó là thái độ học và thái độ dạy tại đại học Việt Nam. Về phía sinh viên, thái độ học của các em chưa tốt. Các em chỉ quan tâm học cho qua chứ không hề "học lấy học để cho đáng đồng tiền bát gạo". Nếu các em học với thái độ như thế, các em sẽ "vượt qua chính mình" ít nhất là 20%.
Về giảng viên, thực sự hiện nay bằng cấp, chuẩn này nọ thì đủ cả rồi. Tuy nhiên, rất ít giảng viên vừa giảng dạy lại vừa là nhân viên phòng nghiên cứu của một doanh nghiệp hoặc cố vấn chuyên môn hay hợp tác với doanh nghiệp cùng ngành.
>> Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư 'made in Việt Nam' bị cười cợt
Điều đó làm cho tình trạng một số giảng viên cũng không biết ở doanh nghiệp "họ đã làm điều đó như thế nào" là có thật. Tôi cho rằng xu hướng sẽ dần dần thay đổi và tương lai sẽ có nhiều giảng viên có kinh nghiệm thực tế hơn. Với khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ thảo luận về hai cải tổ đó thôi, và tôi cho rằng "bàn tay vô hình" sẽ kéo cả thầy lẫn trò đi theo xu hướng đó.
Tuy nhiên, nếu đổ lỗi cho cả sinh viên và nhà trường là chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, nếu đòi hỏi sinh viên ra trường vừa vào doanh nghiệp đã làm được việc thì xin nói thẳng đó là một đòi hỏi ... thiếu hiểu biết. Ngay cả sinh viên các nước G7 khi mới ra trường cũng láo ngơ láo ngáo chứ không riêng gì sinh viên Việt Nam. Sinh viên là con người và cái khác biệt cốt lõi của con người và máy móc là "học một biết mười".
Vì vậy, nhiệm vụ của trường đại học là dạy một thôi, đó là nguyên lý. Không ai rỗi hơi đi dạy chín cái khác cùng nguyên lý với cái đã dạy cả. Ví dụ đơn giản: sinh viên chỉ học về lực, áp suất, diện tích thông qua một phương trình đơn giản F=P*S. Họ làm thí nghiệm với cái pít-tông cao su chạy trong cái xy-lanh bằng nhựa và đo bằng cái lực kế bé tẹo.
Thế nhưng khi ra đời, ông thợ sửa ôtô ném cho họ cái con đội, ông chủ xe cẩu, xe ben, xe ép cọc, cân thủy lực, nhà máy dầu thực vật ném cho họ cái máy với đám cần tắt mở dầu.
Ở đây, doanh nghiệp không cần "dạy lại" cho sinh viên về nguyên lý thủy lực mà chỉ cần bỏ ra vài phút chỉ cho họ cái nút nào, cái cần nào là dùng để làm gì, tương ứng với lý thuyết, tự khắc họ sẽ làm việc được và thậm chí có thể sửa được khi có sự cố.
Tuy chất lượng sinh viên Việt Nam không cao nhưng dù sao nó cũng đáp ứng ngang tầm với nhu cầu về khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp trong nước. Thật vậy, chẳng có bao nhiêu doanh nghiệp Việt có đầu tư các ứng dụng kỹ thật cao cả.
>> Sinh viên ra trường không thạo việc, doanh nghiệp chịu thiệt
Nếu có, các công việc cần kỹ năng cao đã có đội ngũ kỹ sư lành nghề rồi, còn sinh viên mới thì giao cho họ việc dễ thôi. Tiền nào của ấy mà, các anh đòi làm việc như chuyên gia mà trả lương như sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra?
Vì thế, mong các doanh nghiệp đừng tự nâng tầm mình lên cao quá. Cái mà các anh tưởng rằng đang "dạy" cho sinh viên thực ra chỉ là việc "giới thiệu hình thức đa dạng của những sự việc, thiết bị... mà họ đã được học về nguyên lý".
Qua trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng hai tháng thử việc là đủ để cho một sinh viên mới ra trường đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nếu sinh viên đó học hành đàng hoàng.
Từ đó, thông qua công việc, thì hàng chục năm sau họ mới trở thành chuyên gia được. Nếu các doanh nghiệp cho rằng các đại học Việt Nam không dạy được sinh viên thì họ có thể nói ngược lại là các anh không biết cách dùng người.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.