Vừa qua, câu chuyện CSGT TP HCM đề nghị nhiều chủ quán phối hợp, báo tin cho cảnh sát khi thấy khách uống rượu, bia nhưng lái xe đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Phần đông người Việt phản đối đề xuất này, cho rằng nó "thiếu tính khả thi". Tuy nhiên, cá nhân tôi lại có một cái nhìn khác về câu chuyện này.
Tôi đang sống và làm việc ở Mỹ. Ở đây, có những điều tôi nghĩ là không tưởng nhưng lại đem đến hiệu quả bất ngờ. Gần giống như đề xuất mới đây của CSGT TP HCM, các quán bar, quán nhậu tại Mỹ cũng có quyền và trách nhiệm giữ chìa khóa xe của khách say xỉn. Sau đó, nhân viên quán sẽ liên lạc với người thân của khách, để họ đến đón họ về. Bar đó cũng có thể gọi taxi để đưa khách về nhà nếu họ muốn.
Thông thường, những người say xỉn cũng sẽ hợp tác với chủ quán để về nhà an toàn. Trong trường hợp khách không hợp tác, có hành vi chống đối, quá khích, chủ quán bar hoàn toàn có quyền giữ chìa khóa xe và gọi thẳng cho cảnh sát đến giải quyết. Ngoài ra cảnh sát Mỹ cũng thường xuyên kiểm soát ngay trước cửa ra vào các quán bar để ngăn tình trạng người say xỉn lái xe gây nguy hiểm. Trong dịp giao thừa Tết Tây, sở cảnh sát còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ đưa người say xỉn về nhà.
Tương tự như thế, khi chủ nhà mời bạn đến vui chơi, ăn nhậu. Nếu bạn say xỉn thì chủ nhà cũng có quyền tương tự như chủ quán bar. Đơn giản họ đều hiểu, khi say xỉn, bạn sẽ mất quyền pháp lý (privilege) sử dụng xe và thiết bị có động cơ. Mục đích chính là sự an toàn cho chính người say xỉn và người xung quanh, nên pháp luật cho phép quán bar hoặc chủ nhà có quyền và trách nhiệm như trên. Đó sự hợp tác với cảnh sát để tránh những tai nạn chết người.
>> Chủ quán nhậu báo CSGT khách say xỉn lái xe - bất khả thi
Những chế tài xử lý ở đây tùy theo luật của từng tiểu bang. Như bang Massachusetts bắt các bar phải đóng cửa lúc 21h. Bang Louisiana lại cho phép hoạt động tới sáng. Vấn đề pháp luật tôi đề cập đến ở đây là cho phép người của quán bar có quyền và trách nhiệm giữ chìa khóa xe của khách say xỉn cũng vậy.
Một khi cảnh sát Mỹ bắt được tài xế chạy xe khi vượt quá mức nồng độ cồn, thì tài xế đó lập tức bị tống giam, ghi vào lý lịch DWI hoặc DUI, chứ không có chuyện thu xe rồi để tài xế đó đi bộ về một cách đơn giản. Tùy theo mức độ vi phạm mà tài xế say xỉn sẽ bị xử phạt tù dài hay ngắn và mức cao nhất là mất bằng lái xe vĩnh viễn. Kết quả đem lại của biện pháp này, cho thấy đa số người tình trạng lái xe khi say xỉn giảm hẳn vì ai cũng hiểu rượu bia làm mất việc, mất bằng lái xe, cuối cùng mất nhà, mất xe, mất tất cả...
Vì thế, tôi nghĩ đề nghị của CSGT TPHCM là một bước đầu cần thiết để ngăn chặn những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Khi thực hiện đề xuất này, chủ quán nhậu và khách cũng nên nghiêm túc chấp hành, phối hợp. Chúng ta hãy bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực, bàn lùi. Mục đích chính là sự an toàn cho bản thân người say và người xung quanh. Ai mà chẳng muốn toàn về đến nhà với gia đình mình phải không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.