Dậy thì là thời điểm cơ thể trẻ trải qua những thay đổi về thể chất và cảm xúc để trưởng thành về mặt giới tính. Thay đổi nồng độ hormone ở thời điểm này gây ra một số thay đổi thể chất nhất định.
Độ tuổi trẻ trai dậy thì trung bình là 9-14, chậm hơn bé gái khoảng 1-2 năm. Khi đó, một vùng trong não gọi là vùng dưới đồi báo hiệu cho cơ thể phát triển các cơ quan sinh sản bên ngoài, ngực, da, cơ, xương, tóc.
Ở tuổi dậy thì, các hormone kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone và tinh trùng. Sự gia tăng nồng độ testosterone giai đoạn này có thể dẫn đến những thay đổi về thể chất gồm dương vật và tinh hoàn phát triển, xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục ngoài, hiện tượng cương cứng xảy ra thường xuyên, xuất tinh, lông dưới cánh tay và lông mặt. Giọng nói của bé trai cũng thay đổi và trầm hơn, vai nở ra, cân nặng, cơ tăng, có thể gặp những thay đổi về da như nổi mụn trứng cá.
Hầu hết bé trai trải qua giai đoạn tăng trưởng đột biến trong độ tuổi 12-15. Đến năm 16 tuổi, chiều cao có thể sẽ không thay đổi, nhưng vẫn có thể tăng khối lượng cơ.
Thời gian bắt dậy thì ở mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, những bé trai trải qua các thay đổi thể chất trên trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm. Dậy thì sớm có xu hướng phổ biến ở bé gái hơn bé trai. Nguyên nhân có thể bao gồm tiền sử gia đình dậy thì sớm, rối loạn hệ thần kinh trung ương, khối u ở não hoặc tinh hoàn, chấn thương não hoặc viêm não, suy giáp...
Trẻ trai dậy thì sau 14 tuổi là muộn. Hầu hết trẻ dậy thì trễ cũng có tiền sử gia đình, cha mẹ tương tự. Dậy thì muộn ở thanh thiếu niên có thể xảy ra do thiếu hụt các hormone kích hoạt dậy thì như hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tình trạng này xuất hiện khi mới sinh và thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Các tình trạng mạn tính có thể dẫn đến phát triển muộn ở bé trai bao gồm bệnh viêm ruột, bệnh hồng cầu hình liềm, xơ nang.
Nếu dậy thì bắt đầu quá sớm hoặc trễ, phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ để kiểm tra các vấn đề bất thường và xác định nguyên nhân bằng xét nghiệm máu, chụp X-quang tuổi xương. Tuổi dậy thì còn đi kèm với những thay đổi về mặt tâm lý như cảm xúc bùng phát mạnh mẽ, dễ mất bình tĩnh, lo lắng hoặc xấu hổ về việc cơ thể thay đổi. Nếu tâm trạng của trẻ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp hỗ trợ con kịp thời.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)