Trả lời:
Sẹo là tổn thương vĩnh viễn trên da, có thể mờ và nhạt màu theo thời gian nhưng không thể biến mất hoàn toàn. Mỗi loại sẹo có phương pháp điều trị khác nhau. Bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da khám để được tư vấn, xác định loại sẹo và cách điều trị tối ưu. Bạn cũng nên chọn cơ sở y tế uy tín khi quyết định điều trị sẹo, tránh tình trạng sẹo nặng hơn, nhất là sẹo lồi và sẹo ở mặt.
Một số phương pháp trị sẹo phổ biến hiện nay gồm:
Thuốc bôi được nhiều người áp dụng, có khả năng làm phẳng, mềm, mờ sẹo hoặc ngăn ngừa hình thành sẹo xấu. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả tối ưu, cần thoa thuốc sớm trong giai đoạn lành thương.
Tiêm corticosteroid vào vết sẹo giúp giảm triệu chứng đau và ngứa, làm chúng mềm, phẳng hơn, nhất là với sẹo lồi, sẹo phì đại. Nhược điểm của phương pháp này là có thể cần thực hiện nhiều lần, tác dụng phụ tại chỗ và sẹo có thể tái phát sau một thời gian.
Liệu pháp laser có thể làm mờ các sẹo thâm. Tuy nhiên, nhược điểm là cần thực hiện nhiều lần, có thể gây rối loạn sắc tố da vùng điều trị.
Lăn kim sử dụng con lăn với rất nhiều kim nhỏ trên bề mặt nhằm tạo ra các vi tổn thương trên da giúp kích thích sinh collagen, duy trì độ đàn hồi cho da. Lăn kim có thể áp dụng cho các loại sẹo mụn, sẹo lõm, rạn da...
Bóc tách đáy sẹo được sử dụng nhằm phá vỡ các mô xơ co dính dưới da. Khi thực hiện, bác sĩ đưa dụng cụ vào dưới vết sẹo để nới lỏng, phá vỡ các sợi kết nối giữa sẹo và mô bên dưới da giúp giải phóng đáy sẹo, làm đáy sẹo lồi tự nhiên, da phục hồi. Phương pháp này thường được áp dụng với các loại sẹo lõm, sẹo thủy đậu, sẹo mụn... Nhược điểm là đôi khi phải thực hiện nhiều lần tùy vào đáp ứng của sẹo, có thể bị sưng bầm sau khi điều trị.
Áp lạnh bằng nitơ lỏng nhằm đóng băng vết sẹo, phá vỡ các mô sẹo cũ, đồng thời cải thiện tình trạng ngứa rát và giảm kích thước sẹo. Áp lạnh bằng nitơ lỏng thường được áp dụng với sẹo lồi và cần thực hiện nhiều lần.
Phẫu thuật được thực hiện với sẹo lồi nhằm làm giảm kích thước, người bệnh vận động dễ dàng hơn nếu sẹo làm cản trở chức năng vận động.
Bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |