Một tuần trước khi nhập viện, chị Phan Thị Hà (37 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đi tiểu với lượng và tần suất rất ít. Toàn thân phù nề đặc biệt là 2 chân, kèm theo đau bụng vùng thượng vị. Đại tiện phân nát không thành khuôn. Đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cuối tháng 3, chị được chẩn đoán bị nhiễm trùng tiêu hóa, đợt cấp suy thận mạn kèm theo hội chứng thận hư và bệnh thận IgA.
ThS.BS Hà Tuấn Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, cho biết nguyên nhân dẫn đến đợt suy thận cấp tính này là do người bệnh đã điều trị suy thận mạn nhiều năm nhưng chưa đạt được mục tiêu kiểm soát huyết áp, tình trạng thiếu máu, suy thận tiến triển nặng dần. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận được tiên lượng ở mức nặng.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chọc tháo dịch ổ bụng để chẩn đoán loại trừ nhiễm trùng dịch cổ chướng, đồng thời điều trị tích cực cho chị Hà, với mục tiêu giảm nhanh các triệu chứng đau bụng, phù hai chân, tràn dịch màng bụng. Bác sĩ cho chị dùng thêm một số thuốc như corticoid, albumin, lợi tiểu, hạ huyết áp để giảm tình trạng phù, kiểm soát dịch, khống chế suy thận tiến triển nặng lên.
Sau hai tuần điều trị tích cực, chị được ra viện với kết quả ổn định, hết đau bụng, hết phù, chức năng thận được cải thiện rõ rệt, huyết áp kiểm soát tốt.
Thạc sĩ Hà Tuấn Hùng cho biết đợt cấp suy thận mạn là tình trạng xảy ra ở người bệnh có tiền sử bệnh thận - tiết niệu trước đó. Triệu chứng lâm sàng của đợt cấp suy thận mạn thường là thiếu máu tương ứng với độ suy thận, ure, creatinin huyết tương tăng từ trước, tăng huyết áp, suy tim nặng hơn, kích thước hai thận teo nhỏ nếu do viêm cầu thận mạn.
"Đợt cấp suy thận mạn không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi cơ thể không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, mức lọc cầu thận giảm nặng người bệnh sẽ phải điều trị thay thế thận như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận", bác sĩ Hùng cảnh báo.
Ở người mắc bệnh thận mạn nhiều năm, vấn đề kiểm soát chức năng thận và các biến chứng suy thận cần đặc biệt quan tâm. Việc mắc các bệnh lý cấp tính khác có thể làm nặng tình trạng bệnh mạn tính, do đó cần chú ý thăm khám định kỳ phù hợp với giai đoạn bệnh. Bác sĩ Hùng khuyến cáo người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị mà không theo chỉ định vì có thể làm nặng thêm tình trạng suy giảm chức năng thận.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng, người mắc bệnh suy thận mạn là đối tượng cần đặc biệt cẩn trọng. Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh bệnh thận mạn tính có liên quan chặt chẽ đến tình trạng chuyển nặng khi mắc Covid-19. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature dựa trên hồ sơ sức khỏe của 17 triệu người mắc Covid-19 kết luận người mắc bệnh thận mạn tính có nguy cơ tử vong cao, thậm chí cao hơn cả các nhóm nguy cơ khác như tăng huyết áp, béo phì, bệnh tim mãn tính hoặc bệnh phổi. Rủi ro càng lớn với người bệnh suy thận mạn phải lọc máu hoặc ghép thận.
Theo Bác sĩ Hùng, để dự phòng nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19, bệnh nhân suy thận mạn cần tiêm đủ liều vaccine cơ bản nếu không có chống chỉ định, tuân thủ điều trị bệnh nền theo đúng chỉ định của bác sĩ. Song song đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế, chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh và vận động thể chất khoa học, nhằm cải thiện sức đề kháng chống lại bệnh tật tốt hơn.
Anh Ngọc