"Cá nhân tôi thấy Oscar vẫn còn 'xa tầm tay với' đối với điện ảnh Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân: tầm nhìn, năng lực, nguồn lực, hạ tầng văn hóa - điện ảnh, và một chút ảnh hưởng từ xã hội, thị hiếu của khán giả. Phim Việt lắm khi còn bị chính khán giả trong nước quay lưng, kêu trời về kịch bản, diễn xuất, kỹ thuật, và nhiều thứ khác... thì làm sao có thể mơ tới Oscar được?".
Đó là quan điểm của độc giả Duy Khang về chất lượng phim Việt thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh mười mấy năm nay, chúng ta đều đặn gửi phim sang tham dự Oscar. Có tác phẩm doanh thu trăm tỷ đồng, có tác phẩm được giải thưởng nghệ thuật, nhưng đều "trượt từ vòng gửi xe". Năm nay Đào, phở và piano đang dự thi vòng sơ loại, hạng mục Phim nước ngoài của giải thưởng điện ảnh này. Tuy nhiên, chính đạo diễn của bộ phim này, Phi Tiến Sơn, cũng cho rằng tác phẩm của mình "khó có cửa ở Oscar".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Trai Phố Cổ chỉ ra điểm yếu chí mạng của phim Việt khi tiến ra thế giới: "Thật ra, một bộ phim để đi tranh giải quốc tế thì cái cốt lõi vẫn là kịch bản câu chuyện, cách kể chuyện qua ngôn ngữ điện ảnh bằng cách quay, góc quay của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên. Đào, phở và piano cũng như 99% phim Việt khác, đều không đáp ứng được những tiêu chí đó thì làm gì có cửa mà tranh giải quốc tế? Muốn biết phim có khả năng đoạt giải hay không thì cứ so sánh với những phim Tâm trạng khi yêu, Parasites, Another Round, Bicycle Thieves... sẽ thấy".
>> 'Phim Việt giả trân vì để diễn viên 30 tuổi đóng vai ông lão'
"Làm phim kiểu nghệ thuật thì may ra chúng ta mới có cửa tranh giải Oscar. Tức là, phim phải tạo được điểm nhấn, sáng tạo trong cốt truyện, cũng như có một bài hát nhạc phim thật hay (nhất là đoạn điệp khúc). Chứ phim Việt bây giờ vẫn kiểu nói nhiều, quay nhiều, ôm đồm, nhưng cái gì cũng chỉ ở mức trung bình thì sẽ tạo cảm giác chán ngán", độc giả Trung Kien phân tích.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong tư duy làm phim để điện ảnh Việt vươn tầm quốc tế, bạn đọc Hồng hà kết lại: "Tôi xem những bộ phim quốc tế đoạt giải thưởng, thấy rằng đề tài của họ có khi rất đơn giản hoặc chỉ là một lát cắt nhỏ của bức tranh cuộc sống. Thế nhưng họ làm rất tới, rất súc tích và có giá trị. Đó là cái tài của biên kịch, của đạo diễn, của diễn viên và một tập thể hậu cần phía sau.
Điều này làm tôi nhớ đến một bộ phim của Trung Đông, kể về việc một cậu bé nghèo bị mất đôi dép, nhưng kéo theo đó là cả một câu chuyện cảm động, làm người xem bị cuốn hút vào cho đến giây phút cuối cùng. Cho nên, nhà làm phim Việt không cần phải nghĩ đến những điều to tát hay vĩ mô quá làm gì, bởi 'đao to búa lớn' nhưng làm không tới thì sẽ thành thảm họa. Muốn điện ảnh Việt 'cất cánh' chúng ta chỉ cần làm thật tốt những bộ phim đơn giản, trong tầm tay của mình trước khi nghĩ tới những điều xa hơn".
- Tiếng chửi bậy trên phim
- Tranh cãi 'đưa chửi bậy vào phim để tái hiện cuộc sống'
- Phim Việt tràn ngập cảnh giả trân
- 'Phim Việt nghèo nàn vì diễn lại đời thực'
- 'Phim Việt lỗ nặng vì khán giả không còn dễ dãi'
- 'Phim Việt gần chục năm quanh quẩn những kịch bản rập khuôn, dễ đoán'