"Thực trạng điện ảnh Việt Nam đang yếu đều các khâu: từ khâu kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn viên... Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy khâu chọn diễn viên phù hợp cực kỳ quan trọng. Có thể thấy, điện ảnh các nước phát triển không bao giờ ép vai diễn viên.
Ví dụ như trong Titanic, để đóng vai Jack cần một diễn viên điển trai và phải lãng tử, hào hoa, trẻ tuổi, đủ khả năng diễn xuất để lột tả tính cách nhân vật này. Trong khi ở ta lại đưa một diễn viên ngoài 30 tuổi đóng vai một ông lão, gắn chòm râu giả dài nhưng da mặt vẫn căng bóng, trán chẳng có nếp nhăn tự nhiên nào và điệu bộ cũng hiện rõ là một chàng trai trung niên.
Chỉ nhiêu đó thôi đã thấy sự hời hợt trong khâu chọn lựa diễn viên và tạo hình nhân vật của điện ảnh Việt rồi. Đó là lý do chúng ta không thể đi xa hơn được trên trường quốc tế".
Đó là chia sẻ của độc giả Nsrcampuchia trước thực trạng những năm qua nhiều phim nghệ thuật Việt đoạt giải thưởng quốc tế nhưng khi về nước chưa được nhiều khán giả đón nhận. Sự "lệch pha" này là vấn đề muôn thuở với điện ảnh Việt Nam. Điều này hoàn toàn trái ngược với thị trường quốc tế, khi có những phim thành công nhờ dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí để thu hút người xem, điển hình là Titanic. Vậy vấn đề của phim Việt là gì?
Nói về vấn đề này, bạn đọc Chú Năm nhận định: "Khi nào chúng ta còn những bộ phim với kịch bản đáp ứng sở thích tò mò của những khán giả trẻ, thì không thể chờ đợi có những bộ phim có giá trị và chất lượng cho điện ảnh Việt. Phải phân biệt rõ sự khác biệt giữa phim có doanh thu bán vé cao và phim có giá trị điện ảnh.
Người xem bây giờ biết rõ đâu là bộ phim 'tổng hòa của câu chuyện hấp dẫn, cách kể sáng tạo, nhân vật có sức sống mạnh mẽ và thông điệp nhân văn... như Titanic. Còn những bộ phim chỉ đơn giản là 'quay lại chuyện riêng tư của gia đình nào đó", với những cái tên phim 'nghe là biết liền' và những lời thoại phần lớn là kêu ca, than vãn, trách móc, chê bai, la lối, quát tháo, khóc lóc, cười nhảm... thì chắc chắn không thể giúp điện ảnh Việt vươn xa".
>> Phim Việt tràn ngập cảnh giả trân
Cần làm gì để điện ảnh Việt có những tác phẩm thành công như Titanic? Độc giả Lê văn lâm cho rằng: "Bài học thành công trong quá khứ cần được phát huy. Hãy cứ làm theo cách của ta. Tại sao khán giả đón nhận những bộ phim như Người giàu cũng khóc, Cô dâu tám tuổi...? Những phim đó được làm trước hết cho đối tượng khán giả trong nước, rồi sau đó được cả thế giới đón nhận.
Sao ta lại không xuất phát từ những sự đòi hỏi của người Việt, đáp ứng thị hiếu của người Việt, làm phim từ những tác phẩm văn học đã được công chúng đón nhận? Dù sao các tác phẩm đó cũng đã được xét duyệt khi xuất bản, sau này làm phim chỉ đầu tư thêm để xây dựng thành tác phẩm điện ảnh. Sao ta lại không đào tạo được một lớp diễn viên sống suốt đời với nghề như các bậc tiền bối? Sao ta lại không tạo điều kiện cho phim tư nhân cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ họ về kinh phí, phát hành?
Nói đến công nghiệp điện ảnh là phải tạo ra sản phẩm, tạo ra công chúng thưởng thức, tạo được nguồn tài chính không chỉ đảm bảo được cho lực lượng làm phim sống được mà còn có sự đầu tư trở lại, thậm chí dư thừa để nâng cấp... Như thế mới tạo ra động lực để phát triển điện ảnh nước nhà, để lấp đi khoảng trống thay vì dựa vào phim ngoại như hiện tại.
Mỗi năm, chỉ cần chúng ta làm được 10 phim đạt chất lượng tốt thì 10 năm sau ta có một lượng phim dồi dào để đem đi cạnh tranh với nền điện ảnh thế giới rồi".
- Bảy bài học yêu bằng lý trí dành cho những người giống Mai
- Tiếng chửi bậy trên phim
- Chấp nhận tính hư cấu trong phim lịch sử Việt
- Khán giả 'đói' phim lịch sử Việt như Tam Quốc, Thủy Hử
- 'Phim Việt lỗ nặng vì khán giả không còn dễ dãi'
- 'Phim Việt gần chục năm quanh quẩn những kịch bản rập khuôn, dễ đoán'