Vì sao phim lịch sử Việt bao năm qua vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng? Vì sao các nhà làm phim trong nước thờ ơ với dòng phim này? Vấn đề nằm ở chất lượng, nội dung phim hay ở thái độ đón nhận của khán giả Việt? Đó là những câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều thế hệ làm phim trong nước.
Nói về câu chuyện này, độc giả Tranthetuan nhận định: "Một phần đến từ vấn đề trình độ của nhà làm phim Việt, cũng như câu chuyện tài chính. Nhưng phần lớn khác lại đến từ tâm lý đón nhận của chính khán giả. Tam Quốc nổi tiếng nhờ 'thất thực tam hư'. Trong khi đó, nếu phim lịch sử Việt Nam mà dám hư cấu như vậy chắc sẽ bị khán giả chỉ trích thậm tệ.
Kể cả những phim dã sử khác của Trung Quốc như dòng phim kiếm hiệp Kim Dung, Thủy Hử, tể tướng Lưu gù... cũng vậy, tuy dựa vào lịch sử nhưng các nhà làm phim vẫn biến tấu, thêm thắt rất nhiều chi tiết để tăng độ hấp dẫn. Và nhưng khán giả của họ vẫn chấp nhận. Từ sự hư cấu đó, người xem mới quan tâm và tìm hiểu sự thật lịch sử. Đáng tiếc là khán giả của ta lại không chấp nhận như vậy, điển hình là bộ phim Đất rừng phương nam vừa rồi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tigera so sánh: "Phim lịch sử của Trung Quốc thật ra đều được chuyển thể từ các tiểu thuyết kinh điển như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử. Người làm phim đã thêm vào các đoạn hư cấu, hoặc lấy bớt ra các chi tiết không hấp dẫn, tập trung vào tính chính kịch của câu chuyện. Tuy nhiên, người xem phim của họ vẫn ủng hộ. Còn nếu chỉ bê y nguyên sự kiện lịch sử toàn số liệu, các chi tiết khô khan như phim của ta thì câu chuyện làm sao hấp dẫn được? Vậy nhưng cứ hễ phim Việt nào thêm bớt chi tiết, sự kiện lịch sử là sẽ bị khán giả 'ném đá' không thương tiếc".
>> Khán giả 'đói' phim lịch sử Việt như Tam Quốc, Thủy Hử
Thực tế, phim lịch sử Việt, cho dẫu chỉ là phim dưới dạng câu chuyện hư cấu, hay phim về các nhân vật có thật trong lịch sử, rất khó tránh khỏi những góc nhìn phán xét khắt khe và đa chiều từ khán giả đại chúng. Vậy phải chăng vấn đề chính nằm ở việc khán giả đang chưa chịu mở lòng với những nhà làm phim lịch sử Việt?
Độc giả Sông Đông êm đềm phân tích: "Khán giả Việt cần hiểu rõ phim lịch sử và phim dã sử. Các bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc toàn là phim dã sử, tức là người ta chỉ dựa vào một vài chi tiết, nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử rồi hư cấu thêm để bộ phim tăng tính hấp dẫn. Trong khi đó, phim của chúng ta cứ hễ thêm thắt sự kiện, chi tiết như vậy là khán giả phản ứng tiêu cực ngay".
"Phim lịch sử Việt luôn bị yêu cầu phải đúng như thực tế thời đó. Khán giả luôn soi xét từ quần áo, giày dép, mũ mão... tất cả phải đúng y chang đời thực. Rồi cả ngựa xe đi lại cũng không được khác, kể cả cách nói chuyện, lời thoại, cách trang điểm cũng phải giống hệt như xưa. Thử hỏi, khắt khe như vậy thì ai dám bỏ tiền ra làm phim lịch sử?", bạn đọc Ngoc Phu Lam nói thêm.
Nhấn mạnh việc hư cấu (không xuyên tạc) có vai trò quan trọng phát triển dòng phim lịch sử Việt, độc giả Giang Tong kết lại: "Việt Nam không thiếu tư liệu lịch sử để làm phim, như: ba lần thắng quân Nguyên, Ngô Quyền chiến thắng sông Bạch Đằng, Bình Ngô đại cáo, Quamg Trung đại phá quân Thanh, khởi nghĩa bà Trưng, bà Triệu... Chẳng qua chúng ta chưa đủ tầm làm phim hay mà thôi. Tôi cho rằng, đã là phim thì vẫn có thể hư cấu, miễn là đừng xuyên tạc lịch sử là được. Khi khán giả mở lòng, nhà làm phim dễ thở hơn, thì phim lịch sử Việt sẽ có đất sống".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.