Các hình phạt kỷ luật học sinh đang áp dụng trong trường học ở Việt Nam hiện nay là nhắc nhở, phê bình, thông báo với gia đình, cảnh cáo ghi học bạ, đình chỉ học có thời hạn... Tuy nhiên, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, cần có những biện pháp kỷ luật tích cực để giáo dục học sinh thay vì chỉ tập trung trừng phạt:
"Đình chỉ" chỉ nên áp dụng ở môi trường làm việc, còn môi trường giáo dục thì phải nghĩ ra cách giáo dục tốt nhất, hay nhất, hiệu quả nhất. Việc đưa bài giảng tâm lý vào trường học là rất nên, rất cần thiết và cấp thiết đối với ngành giáo dục Việt Nam. Các môn Nhạc, Công nghệ ngày xưa thời chúng tôi không được học, giờ đã đưa vào từ lâu thì môn Tâm lý học đường sao lại chậm trễ như vậy. Trong khi với tình hình phát triển của thời đại công nghệ hiện nay, trẻ con trưởng thành nhanh hơn người lớn nghĩ.
Ngoài môn Tâm lý học đường, cũng nên dạy thêm môn Kỹ năng sống. Thế giới, xã hội phát triển, nhưng học sinh của chúng ta lại không được học kỹ năng sống để hòa nhập vào xã hội một cách an toàn. Ví dụ, làm sao thoát khỏi đám cháy lớn khi đang ở tầng cao siêu thị, hay cách thoát khỏi đám đông dồn ứ một cách an toàn, cách tránh bị xâm hại... Học sinh của chúng ta hoàn toàn không được dạy những thứ mà lẽ ra ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải được học để có kiến thức trước khi vào đời. Thiết nghĩ, những người làm giáo dục nước nhà nên suy nghĩ và sớm hành động.
Tôi tuy không dạy phổ thông nhưng cũng phần nào hiểu tâm sinh lý các em bởi vì ai cung từng trải qua giai đoạn đó. Tuổi teen là lứa tuổi phần lớn các em chịu áp lực từ các bạn, từ cách ăn mặc, quần áo, đầu tóc, đến điểm số bạn thân... Hầu như ở tuổi này, rất ít bạn nào mở lòng hay cởi mở chia sẻ với bố mẹ và thầy cô.
Khi tôi dạy các lớp học thêm của mình, đối diện với lứa tuổi này, tôi cũng có phần hoảng sợ rằng mình sẽ giải quyết thế hay hành xử thế nào khi học sinh nói xấu bạn, chửi mắng bạn, hay những lần các con nô đùa thái quá? Vì những điều này trực tiếp ảnh hưởng đến việc học của học sinh nên tôi phải đọc, tham khảo rất nhiều từ đồng nghiệp. Khi có mâu thuẫn xuất hiện trong lớp học, tôi thường nói chuyện sau giờ, hỏi các về cuộc sống và mâu thuẫn mới xảy ra. Hay khi học sinh có những hành vi không phù hợp trong lớp tôi, cũng chia sẻ chân thành cảm xúc của mình với các con.
Tuy nhiên, lớp học thêm chỉ có 10-12 bạn, tôi còn có thể làm vậy. Chứ ở các trường, tôi cho rằng nên có các giờ học cụ thể, vì đứa trẻ sẽ không tự nhiên gặp thầy cô để xin tư vấn và chia sẻ. Sự gắn kết của các con tạo ra với cô giáo quá giảng dạy sẽ tốt hơn. Hãy hướng dẫn các con tạo dựng mối quan hệ lành mạnh qua hoạt động nhóm, team building; và hy vọng rằng các con sẽ tìm được hướng đi giải quyết cho cảm xúc của mình thay vì phải qua bạo lực.
>> Kỷ luật học sinh đánh bạn - phạt nặng hay giơ cao đánh khẽ?
Theo tôi, hình thức đình chỉ học thời gian ngắn là phản sư phạm. Vì nó gần như không có tác dụng gì nhiều đối với học sinh đang tuổi ăn, tuổi chơi... Đối với các em, đi học là nghĩa vụ, là trách nhiệm chứ không phải quyền lợi. Giống như bạn đi làm vậy, làm sai bị đình chỉ làm nhưng vẫn lãnh đủ lương.
Cần phải cho trẻ thấy khi chúng làm sai, ngoài phải học tập, thời gian rãnh sẽ phải chịu phạt (ví dụ lao động công ích) thay vì được vui chơi như các bạn. Các trường giờ đều thuê lao công (không có thì phụ huynh cũng tự nguyện đóng góp để con mình không phải làm việc tay chân), nên không có việc gì để phân cho các em phạm lỗi thực hiện ngoài hình phạt cấm túc.
Ngày xưa đi học, lớp tôi chia tổ ra trực nhật mỗi tuần. Học sinh nào phạm lỗi nặng sẽ phải trực nguyên tuần cho tổ đang trực. Hoặc giờ ra chơi phải quét sân trường trong khi các bạn đang chơi. Nếu làm không tốt tăng thời gian thêm một tuần nữa, tránh lười biếng. Hình phạt đó rất thú vị, tuy không nặng nhọc gì nhưng nó giúp các em ý thức được cái giá mình phải trả trước bao cặp mắt của những người xung quanh. Giờ thì toàn phạt nghỉ học cả tuần để ở nhà lêu lổng, xem phim, chơi game... còn thú vị hơn đi học.
Lao động chân chính làm con người trở nên tốt hơn. Hình thức trừng phạt của nhà trường không làm cho học sinh hư trở nên ngoan ngoãn. Hãy để cho học sinh hư tham gia lao động chân chính cùng người lớn. Để cho các em được thể hiện sức mạnh của mình trong việc làm có ích. Để cho những cái đầu bốc đồng của trẻ em thấu cảm được những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Hãy thể hiện sự quan tâm từ gia đình và nhà trường để các em thấu hiểu. Trại giáo dưỡng cũng chỉ là nơi cuối cùng dành cho những em không còn đường đi.
Biện pháp phạt phổ biến dành cho học sinh Anh, Mỹ, Nhật là lao động công ích, như lau chùi lớp, dọn thùng rác, cạo các vết kẹo cao su dưới sàn, trồng cỏ trong sân trường, dọn bàn ăn cho lớp trong bữa trưa... Việc cấm túc, tức phạt ở lại trường sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần để hoàn thành bài tập thêm cũng được áp dụng.
Điều 26 trong Hiến pháp Nhật Bản chỉ rõ: "Mọi người đều có quyền được giáo dục công bằng...". Do vậy, giáo viên phải làm quen với việc "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" và tìm cách quản lý tốt hơn. Đuổi học sinh ra khỏi lớp không phải là hình phạt quá xa lạ ở nhiều nước, tuy nhiên trường học Nhật Bản cấm kỵ điều này.
Việc mắc lỗi của học sinh trong nhà trường là điều hết sức bình thường. Lỗi lầm của học sinh là cơ hội để giáo viên giáo dục các em thay đổi hành vi, hoàn thiện bản thân trước khi rời ghế nhà trường, bước ra ngoài xã hội. Thay bằng những biện pháp kỷ luật khô cứng, giáo viên nên chú trọng đến những biện pháp kỷ luật tích cực để giáo dục học sinh, như lao động công ích.
LAV
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.