(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Chúng ta học triết học là để tạo ra tư duy độc lập cho bản thân. Tự ta phải nghĩ bằng cái đầu của ta, không cần ai nghĩ thay, cũng không phụ thuộc vào suy nghĩ của ai. Không phải cứ đám đông nhiều người ủng hộ là đúng, ít người ủng hộ là sai. Ở phương Tây, nếu bạn phát biểu về một vấn đề gì đó không "đụng hàng" với ai, người ta sẵn sàng lắng nghe bạn dù họ không nhất định phải đồng ý với bạn. Tham khảo ý kiến nhiều chiều, nhiều góc độ, thậm chí trái chiều sẽ mài dũa cho tư duy của ta ngày càng trở nên sắc bén hơn. Chống đối, bài xích tư tưởng của người khác sẽ làm cho chúng ta có tư duy cực đoan, áp đặt.
Người đặt nền móng cho triết học phương Tây là Sokrates, một học giả Hy Lạp cổ đại sống ở thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Triết học của ông khá đơn giản. Đó là quan sát mọi hành vi trong xã hội, tự hỏi hành vi ấy là đúng hay sai, đúng với ai và sai với ai, mặt đúng nhiều hơn hay mặt sai nhiều hơn, cần làm gì để phát huy mặt đúng và hạn chế mặt sai. Mọi người, từ vua chúa cho đến người nghèo, đều là đối tượng nghiên cứu của ông. Ông không nâng đỡ ai cũng chẳng hạ thấp ai. Tóm lại, ông không đứng về phe nào, hoặc một mình ông một phe.
>> Dạy triết học cho người trẻ để rèn tư duy phản biện
Karl Marx không phải là người tạo ra triết học duy vật biện chứng. Trước Karl Marx có rất nhiều triết gia theo trường phái này, ông chỉ là người hệ thống lại mà thôi. Tương tự với triết học duy vật lịch sử. Bởi vì hai chữ "duy vật" đối lập với "duy tâm" nên một số người tâm linh bài xích ông. Duy vật cũng là biểu trưng của khoa học, dựa vào vật chất hiện hữu mà nghiên cứu, đối lập với duy tâm nói cái gì cũng dựa vào đấng bề trên nào đó không bao giờ thấy mặt.
Để cho nhiều người có tư duy độc lập, chỉ triết học không chưa đủ mà còn phải có kỹ năng sống cao. Nơi đào tạo kỹ năng sống bậc cao là các trường đại học. Do vậy, ở phương Tây chỉ cần học sinh tốt nghiệp THPT là đã có tư cách để học đại học. Ở kỳ thi này, chỉ có người quá kém mới không đậu. Hơn 90% đậu tốt nghiệp THPT là chuyện bình thường ở mọi quốc gia. Thế nhưng một số người ở Việt Nam lại cho rằng tỷ lệ như vậy là không bình thường.
Đại học cũng có xếp hạng. Hạng cao chỉ tuyển học sinh giỏi, đậu điểm cao tốt nghiệp THPT. Cứ như thế lùi xuống các hạng thấp hơn. 70–80% lực lượng lao động ở phương Tây là người có trình độ đại học trở lên. Tại sao 20–30% còn lại không có trình độ đại học? Vì học càng lên cao càng khó, không phải ai học đại học cũng tốt nghiệp được. Mặc dù đại học của họ không đuổi học ai chỉ vì thi không đậu nhưng học phí rất đắt, học mãi mà không tốt nghiệp được thì chi phí ai chịu nổi? Những người phải học 6–8 năm mới tốt nghiệp là không hiếm.
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
Khi bạn xin việc ở phương Tây, câu đầu tiên họ hỏi bao giờ cũng là "bạn tốt nghiệp đại học nào?". Càng là đại học top đầu thì khả năng xin được công việc "nhàn hạ lương cao" càng lớn, khả năng thăng tiến càng cao. Trong khi ở ta vẫn chỉ quan tâm có thi đậu hay không? Tư duy như vậy, xã hội bao giờ mới khá? Bạn là người có học vấn cao, có tầm nhìn xa tốt nhưng số đông không có học vấn như bạn, không nhìn xa đến thế thì dù bạn có ý kiến đúng đến mức nào cũng lấy ai ủng hộ bạn? Đó là lý do vì sao người ta phổ cập kiến thức đại học để khi tranh luận một vấn đề xã hội nào đó, mọi người đều có học vấn tương đương không chênh lệch nhau quá xa.
Vì sao ở nước ngoài, người ta quy tụ nhiều chuyên ngành bậc đại học vào một nơi gọi là "viện đại học"? Vì họ tạo điều kiện cho những người chịu học và học giỏi. Những người này có thể học cùng một lúc nhiều chuyên ngành khác nhau, tốt nghiệp ra lấy nhiều bằng đại học cùng một lúc mà thời gian học chỉ lâu hơn người học một bằng từ 1–2 năm. Học phí chỉ tính theo năm, bạn học nhiều hay không ai quan tâm. Ở đại học, không ai đốc bạn đi học, tự bạn lên thời khóa biểu giờ nào lên giảng đường nào để nghe giáo sư nào giảng môn gì. Bạn không học thì bạn tự lãng phí tiền bạc, thời gian của chính mình.
Trong khi đó, ở Việt Nam, lên giảng đường lúc nào cũng có điểm danh. Không đi học quá 3 buổi sẽ bị cấm thi. Thi 3 lần không đậu phải ở lại lớp. Ở lại lớp 2 lần sẽ bị đuổi học. Người ta bỏ tiền ra mua kiến thức, thi không đậu thì học lại, không cần đuổi học. Đã bước vào kinh tế thị trường mà các trường đại học ở Việt Nam vẫn nặng tư duy bao cấp, cơ chế xin – cho. Cơ chế như vậy (xem sinh viên như con nít, như học sinh phổ thông) thì đại học khó phát triển?
Quy chế như vậy, sinh viên Việt Nam mãi không chịu "lớn". Học mà phải có người đôn đốc, thúc ép, đe dọa mới chịu học thì làm sao có tư duy độc lập? Ai muốn học thì học, ai không muốn học thì cứ chịu khó đóng học phí, làm học bổng cho người nghèo học giỏi. Tự sinh viên không nhận thức được điều này thì làm sao "lớn" được?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm