Xung quanh vụ việc nữ sinh lớp 8A5, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa, bị nhóm bạn ép ra khỏi trường, hành hung gây thương tích, độc giả Tung Nguyen chỉ ra nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường: "Đây là chuyện này là tất yếu khi nhà trường không được phép xử lý mạnh tay với học sinh cá biệt. Lúc trước, nhà trường còn có thể dọa đuổi học, nhưng bây giờ cùng lắm chỉ là mắng cảnh cáo vài câu. Dù không muốn nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn phải xử lý theo kiểu 'dĩ hòa vi quý'. Những vụ như thế này sẽ còn xảy ra dài dài nếu người ta không chịu thay đổi quan điểm về kỷ luật giáo dục".
Đồng quan điểm, bạn đọc Ngọc Linh cho rằng: "Học sinh đánh nhau; học sinh đứng nhìn; học sinh cổ vũ... nguyên nhân là:
1. Những hình ảnh này ngoài xã hội có quá nhiều, bọn trẻ học có thể bắt chước làm theo.
2. Cha mẹ và những người thân của trẻ đôi khi cũng từng cư xử như vậy, ảnh hưởng đến hành vi của chúng.
3. Gia đình đẩy trách nhiệm dạy dỗ cho nhà trường trong khi nhà trường lo chạy theo bài dạy đã được 'lập trình' sẵn không có thời gian dạy kỹ năng sống.
4. Hình phạt chưa đủ răn đe nên học sinh côn đồ còn suy nghĩ 'cứ làm chẳng sao đâu'.
5. Đa số trẻ bây giờ thuộc diện con cưng, cha mẹ sẽ đứng ra bênh vực, bao bọc bất kể chúng đúng hay sai, nên hình thành tâm lý chẳng sợ gì, nhờn luật.
6. Chúng biết không ai làm gì được mình ở cái tuổi này nên càng thêm coi trời bằng vung".
Độc giả Chi Tam cho rằng, cần có những biện pháp xử lý, kỷ luật mạnh tay với những học sinh côn đồ để ngăn chặn bạo lực học đường: "Ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc học sinh bị bạn đánh hội đồng. Hy vọng mọi người không chuyện lớn hoá nhỏ với tư tưởng 'các em còn nhỏ, chưa hiểu chuyện gì'. Cần phải có biện pháp mạnh để răn đe những đứa trẻ côn đồ này".
>> Cảm hóa học sinh cá biệt bằng kỷ luật hay giáo dục?
Cùng chung nhận định, bạn đọc Tanghongmao1957 đánh giá: "Đây không phải lần đầu học sinh bị đánh hội đồng kiểu này. Là học sinh mà phạm tội như vậy phải bị xử lý nghiêm khắc, kể cả những trò không can ngăn mà đứng ngoài cổ vũ. Cần có hình thức xử lý thật công khai, chứ vi phạm rồi cha mẹ đến xin lỗi là xong thế này liệu có ngăn chặn được tái diễn?".
"Ở ta, không thấy luật cụ thể về bạo lực học đường. Phải làm mạnh bọn trẻ mới sợ. Chứ đánh con người ta rồi phụ huynh lên nói xin lỗi dăm ba câu là xong chuyện thì không giải quyết được vấn đề. Cần có chế tài rồi phạt nặng, cho đi lao động công ích nhiều tháng tùy hành vi, mới có thể răn đe được học sinh côn đồ", độc giả Phạm Tiến Mạnh bổ sung thêm.
Nhấn mạnh việc cần thiết phải có chế tài xử phạt mạnh tay với các học sinh đánh bạn, bạn đọc Dũng Cờ nêu quan điểm: "Nhà trường và gia đình không thể giáo dục được hay không quan tâm đến các em? Có quá nhiều vụ việc học sinh đánh bạn, đáng buồn chủ yếu là học sinh nữ đánh nhau, dẫn đến thương tật về cơ thể và chấn động về tinh thần. Tuy nhiên, rốt cuộc đâu lại hoàn đấy, nữ sinh côn đồ không phải không biết sai, mà là không sợ nên sẵn sàng ra tay khi cần. Mong rằng gia đình, nhà trường và đặc biệt là các. Thậm chí, nếu đánh bạn gây thương tổn phải xử lý hình sự. Chỉ có làm nghiêm mới ngăn chặn sự việc đau lòng có thể xảy ra".
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hoàn toàn 5 hình thức kỷ luật được quy định từ năm 1988. Theo đó, học sinh vi phạm kỷ luật sẽ không bị khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật của trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ hay một năm học như hiện nay nữa.
Nếu như ở thông tư 08 năm 1988, mức kỷ luật cao nhất là "đuổi học một năm" thì dự thảo thông tư mới thay từ "đuổi học" thành "tạm dừng học tập trên lớp" với mức tối đa chỉ còn hai tuần. Học sinh phải chịu hình thức kỷ luật này khi đã bị cảnh cáo mà vẫn tái phạm, có hành vi đánh nhau có tổ chức; xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.