Trước thông tin nữ sinh lớp 11C2 trường THPT Quảng Xương 4 (Thanh Hóa) bị thôi học một tuần do dùng mũ bảo hiểm đánh bạn, độc giả Huệ Nguyễn cho rằng mức phạt còn quá nhẹ: "Đánh và làm nhục người khác rồi lại được nghỉ học một tuần để 'phục hồi sức khỏe' thì tôi dự báo tình trạng bạo lực học đường như thế này sẽ còn tiếp diễn dài dài vì kỷ luật như vậy là mơ ước của những học sinh có máu giang hồ".
Không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Hải lại nhận định cần 'giơ cao đánh khẽ' với những học sinh cá biệt: "Đối với những trường hợp này, phải cử giáo viên tâm lý trao đổi riêng với học sinh. Tâm sự nhẹ nhàng và tư vấn cho học sinh những cảm giác khó chịu hoặc những áp lực mà các em phải chịu. Hướng các em tới những mục tiêu cao cả. Đi học là trách nhiệm chứ không phải là quyền lợi của học sinh nên càng cho thôi học, học sinh càng thích. Đối với tuổi này, càng phạt nặng thì càng ngang bướng. Giơ cao đánh khẽ để răn đe là tốt nhất".
Đề xuất biện pháp xử phạt những học sinh sử dụng bạo lực học đường, độc giả Meobeo181009 nêu quan điểm: "Nên kỷ luật bằng hình thức lao động công ích: chăm sóc cây cối trong trường, dọn vệ sinh trường lớp. Tất cả các hoạt động lao động công ích này phải có sự giám sát và cam kết thực hiện nghiêm túc từ phía phụ huynh học sinh. Gia đình phải hợp tác phối hợp cùng nhà trường giáo dục nghiêm khắc các trường hợp này mới mong hết nạn bạo lực học đường".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Thanh Băng nhấn mạnh: "Nên áp dụng hình phạt giáo dục lao động công ích dưới sự bảo trợ và giám sát của Hiệp hội Trẻ vị thành niên và duy trì việc học tập. Tách trẻ vi phạm ra khỏi cộng đồng trong những lúc này sẽ làm gia tăng bản tính vị kỷ và phí phạm lứa tuổi thanh xuân. Các chế tài kèm theo đủ răn đe nếu không chấp hành tốt để đảm bảo gia đình hợp tác thực tế hơn với công quyền. Nếu vấn nạn bạo hành trong học đường phát triển hơn sẽ tạo thành những hệ lụy thật sự khó khăn về lâu dài".
Trong khi đó, độc giả Hồ Điệp lại cho rằng cần có môi trường giáo dục riêng cho các học sinh ưa bạo lực: "Nên có những trường riêng cho các em ưa bạo lực, chơi bời, không chịu học hành, nhiều lần vi phạm kỷ luật vào học. Các em này cũng phải được thiết kế chương trình riêng để đặt nặng hơn vấn đề giáo dục nhân cách và tư vấn tâm lý so với các trường khác. Các hình thức kỷ luật nên hướng đến việc giáo dục nhân cách qua lao động. Cứ để rồng rắn lẫn lộn thế này, bản thân các em có nhân cách tốt, chăm chỉ cũng sẽ bị ảnh hưởng".
>> Theo bạn, nên áp dụng hình thức kỷ luật nào với học sinh đánh bạn? Gửi bàitại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.