Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân (Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết: Kháng thể sau tiêm vaccine Covid-19 sẽ giảm dần sau 3-6 tháng. Mũi 3 giúp tăng mức độ bảo vệ, tăng kháng thể phòng bệnh, đặc biệt trước biến chủng mới omicron.
"Ở người trưởng thành, các phản ứng nặng sau tiêm chủng như phản vệ, dị ứng thường xảy ra sau khi tiêm mũi một vaccine Covid-19. Người tiêm mũi 3 sẽ không gặp phải các phản ứng nặng này nhưng có thể gặp các tác dụng phụ như ở mũi một hay mũi 2", bác sĩ Luân cho biết.
Theo đó, phản ứng thường gặp có thể xảy ra sau tiêm như đau tại vùng tiêm, sưng, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh, sốt nhẹ. Sưng hạch vùng nách thường gặp hơn sau tiêm mũi 2. Đây là những phản ứng thông thường và sẽ hết sau 1-2 ngày. Đối với các phản ứng này, nên hạn chế cử động mạnh vùng tiêm để giảm bớt triệu chứng. Không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì (lá cây, dầu gió, trứng gà...) vào chỗ sưng đau. Có thể dùng thuốc hạ sốt để uống khi sốt hoặc để giảm đau. Các phản ứng sau tiêm thường xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc 24 giờ sau tiêm, một số trường hợp có thể kéo dài 72 giờ.
Nhìn chung, người lớn tuổi ít bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ khi tiêm mũi 3 của Pfizer hay Moderna hơn so với những người từ 18 đến 64 tuổi. Bên cạnh đó, cần theo dõi triệu chứng sau tiêm (ít xảy ra) do viêm cơ tim như tức ngực, khó thở, đánh trống ngực hay các triệu chứng của giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch như nhức đầu, đau bụng, khó thở nhìn mờ, co giật... Khi xuất hiện các triệu chứng trên cần thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Sau tiêm vaccine Covid-19, nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất đạm, protein, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, trái cây... tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng....
Bộ Y tế ngày 17/12 cho phép tiêm liều vaccine thứ ba sau mũi cuối của liều cơ bản 3 tháng; người khỏi Covid-19 được tiêm ngay mà không chờ 6 tháng như trước. Tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.
Họ sẽ được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vaccine để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Lê Cầm