Đây là kết quả sơ bộ từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho thấy liều tăng cường và vaccine nói chung của hãng có thể đẩy lùi các biến chủng đáng lo ngại. Theo Moderna, liều thứ ba nâng mức kháng thể trung hòa của vaccine lên 37 lần so với hai liều đầu tiên.
"Sau khi tiêm liều tăng cường, mức kháng thể tăng nhanh tỷ lệ thuận với khả năng bảo vệ", ông Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna, cho biết. Theo liệu trình của hãng, mũi tăng cường có liều lượng 50 microgam - bằng một nửa so với hai mũi trước đó.
Nếu tiêm đủ liều (100 microgam), mức kháng thể thậm chí tăng lên khoảng 83 lần. Tác dụng phụ sau tiêm giống hai liều tiêu chuẩn, tuy nhiên người tiêm liều 100 microgam có nhiều phản ứng bất lợi hơn.
Để thử nghiệm, Moderna chia tình nguyện viên thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm 20 người. Họ được sử dụng liều lượng vaccine khác nhau. Trước khi tiêm tăng cường, tất cả đều có lượng kháng thể thấp, nhưng vẫn ngăn được biến chủng Omicron. Vào ngày thứ 29 sau liều thứ ba, mức kháng thể tăng mạnh.
Moderna cũng thử nghiệm loại vaccine tăng cường tổng hợp, kết hợp các đột biến được tìm thấy trong cả Delta, Beta và Omicron. Mỗi thử nghiệm có từ 300 đến 600 tình nguyện viên. Hãng cho biết liều 50 microgram và 100 microgram của vaccine này cũng giúp nâng cao mức kháng thể.
Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, cho biết: "Để đáp ứng với biến chủng có khả năng lây truyền cao, hãng sẽ nhanh chóng đưa vaccine tăng cường (đặc hiệu với Omicron) vào thử nghiệm trong trường hợp thế giới cần đến nó trong tương lai".
Kết quả này dựa trên nghiên cứu phòng thí nghiệm, chưa nắm bắt được đầy đủ phản ứng miễn dịch của cơ thể với virus. Dữ liệu công bố chưa được các chuyên gia xem xét độc lập. Moderna cho biết hãng đang chuẩn bị một bản thảo để công bố trực tuyến trên tạp chí chuyên ngành.
Trước đó, hãng dược Pfizer cũng công bố dữ liệu khả quan về tác dụng chống Omicron của liều vaccine tăng cường. Theo đó, liều nhắc lại giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, đủ để vô hiệu hóa Omicron. Tiêm tăng cường cũng giúp nâng mức bảo vệ trước biến chủng lên 95%, tương đương hai liều đầu tiên trước phiên bản nCoV gốc.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Sau đó, WHO xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại. Các tổ chức trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về mức độ lây lan hay độc lực của nó, nhưng đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác.
Thục Linh (Theo NY Times)