Trong bối cảnh biến chủng Omicron lan rộng, các chuyên gia cho rằng cách bảo vệ tốt nhất là tiêm đủ liều vaccine và tiêm nhắc lại bằng liều tăng cường vài tháng sau đó.
Nghiên cứu của Israel và Mỹ cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine sẽ suy yếu sau 6 đến 8 tháng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Omicron lây lan ngày càng rộng. Đến nay, biến chủng đã xuất hiện ở 89 quốc gia. Tại Mỹ, 3% ca nhiễm là Omicron. Tại Anh, biến chủng chiếm phần lớn ca mắc mới. Nó thậm chí trở thành chủng trội ở Nam Phi.
Liều vaccine tăng cường giúp khôi phục kháng thể sau tiêm về mức đỉnh, ngăn ngừa hiệu quả Omicron.
"Kháng thể đạt mức cao nhất trong 10 đến 14 ngày sau tiêm, tiếp đến mọi thứ sẽ chững lại. Kháng thể sau đó suy giảm, nhưng liều tăng cường sẽ giúp chúng ổn định trở lại", tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống y tế Shore Health ở Massachusetts, Mỹ, giải thích.
"Vaccine bảo vệ người dùng khỏi lây nhiễm hoặc ít nhất giúp họ không chuyển nặng sau mắc bệnh. Dù là biến chủng nào, Delta hay Omicron, liều tăng cường đều có lợi", Leo Poon, chuyên gia virus Đại học Hong Kong, nhận định.
Vaccine Covid-19 huấn luyện hệ miễn dịch tạo kháng thể bằng cách sử dụng phiên bản tổ hợp của protein gai nCoV - thành phần giúp virus liên kết với tế bào. Khi người đã tiêm chủng tiếp xúc mầm bệnh, kháng thể sẽ nhận ra virus và liên kết với protein gai để ngăn ngừa lây nhiễm.
Đối với các loại vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna, liều vaccine đầu tiên huy động tế bào tạo kháng thể. Liều thứ hai củng cố và thúc đẩy các kháng thể đó liên kết mạnh hơn nữa với protein gai, ngăn virus bám vào tế bào người. Đối với vaccine Johnson & Johnson, một liều đủ để tạo kháng thể chống nCoV từ đầu.
Song mức độ kháng thể của tất cả các loại vaccine giảm dần, theo Maria Elena Bottazzi, chuyên gia tiêm chủng tại Trung tâm Phát triển vaccine cho Trẻ em Texas, Đại học Y Baylor. Đây là lúc người dùng cần đến liều tăng cường.
Các nước trên thế giới chủ yếu tiêm liều tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân tiêm liều tăng cường vaccine Pfizer hoặc Moderna 6 tháng sau liều thứ hai, vaccine J&J hai tháng sau liều đầu tiên.
Liều tăng cường vaccine Pfizer giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, đủ để vô hiệu hóa Omicron. Tiêm liều thứ ba giúp nâng mức bảo vệ chống biến chủng lên 95%, tương đương hai liều đầu tiên trước chủng virus ban đầu.
"Dù hai liều vaccine vẫn hiệu quả chống triệu chứng nghiêm trọng do Omicron, dữ liệu sơ bộ cho thấy liều thứ ba của chúng tôi giúp cải thiện mức kháng thể", Albert Bourla, Giám đốc của Pfizer, nói.
Liều tăng cường vaccine Moderna cũng cải thiện khả năng trung hòa biến chủng Omicron so với hai mũi trước đó. Nghiên cứu của hãng cho thấy kháng thể trong máu các tình nguyện viên được tiêm liều tăng cường có thể ngăn ngừa cả Omicron và Delta. Mũi vaccine tăng cường có công thức giống với hai mũi đầu tiên. Song vaccine Moderna mũi nhắc lại chỉ được tiêm nửa liều.
Peter Hotez, bác sĩ nhi khoa, nhà khoa học về vaccine tại Đại học Y Baylor, cho biết: "Miễn dịch từ hai liều vaccine suy giảm, nghĩa là hiệu quả bảo vệ người dùng của chúng cũng giảm vài tháng sau đó. Liều vaccine tăng cường giúp sẽ nâng hiệu quả đó lên ít nhất 70%".
Nhìn chung, các nghiên cứu đến nay cho thấy ở người tiêm liều tăng cường của tất cả các loại vaccine mRNA, mức kháng thể tăng lên đủ để ngăn ngừa nhiễm Omicron.
Trong buổi họp chống dịch tại Nhà Trắng ngày 15/12, Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nhận định: "Liều vaccine tăng cường nói chung có thể chống Omicron. Lúc này, chưa cần điều chế loại vaccine dành riêng cho biến chủng".
Thục Linh (Theo National Geographic, ABC, CNBC)