"Về chuyện phân loại rác, đã rất nhiều lần tôi nêu lên quan điểm rằng chúng ta đang làm quy trình ngược, nên bao nhiêu năm vẫn không có hiệu quả, thậm chí phải gọi là thất bại.
Để phân loại rác hiệu quả, đầu tiên chúng ta phải có nhà máy xử lý, tái chế rác thải; có hệ thống xe thu gom, phân loại riêng từng loại rác. Tiếp đó mới là bước tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác và đổ rác đúng theo quy định trong một phạm vi địa lý và thời gian nhất định (có thể là một năm chẳng hạn). Rồi cuối cùng mới đến bước ra chế tài xử phạt thật nặng (bằng tiền hoặc lao động công ích như tham gia thu gom rác) đối với những hành vi không phân loại rác đầu nguồn.
Phải tuần tự từng bước, có kế hoạch cụ thể như thế mới mong việc phân loại rác thành công. Đằng này, hãy nhìn xem chúng ta đã làm theo quy trình thế nào suốt mấy năm qua? Các cơ quan quản lý cứ hô hào người dân phân loại rác, nhưng sau đó các nhân viên thu gom rác thải cứ thế đổ lẫn hết lên một xe, chở về điểm tập kết, rồi lại trút tất cả lên một xe ép rác chung, và cuối cùng là thẳng tiến ra bãi chôn lấp. Với cách làm đó, nếu chúng ta phân loại rác thành công thì mới là chuyện lạ.
>> 'Nhân viên thu gom đánh sập quyết tâm phân loại rác của gia đình tôi'
Thử hỏi bao năm làm theo quy trình ngược như thế, hiệu quả chẳng thấy đâu, công sức phân loại rác của người dân trở thành công cốc, vậy liệu người ta có còn hào hứng với việc phân loại cho tốn thời gian nữa hay không?".
Đó là quan điểm của độc giả Sông Đông êm đềm về mô hình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm ở Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên từ 10-20 năm trước nhưng đều không đạt kết quả như mong muốn. Đầu tháng 11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó có ba loại rác được gợi ý gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và nhóm các loại khác. Các địa phương sẽ dựa trên hướng dẫn để đưa ra quy định phân loại cụ thể phù hợp, thời hạn trước năm 2024.
Để hướng tới mục tiêu phân loại rác tại nguồn, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 0,5-1 triệu đồng. Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.
>> Bạn nghĩ sao về mô hình phân loại rác tại Việt Nam? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.