Các tỉnh, thành phố tùy vào tình hình tuyên truyền để người dân bắt đầu phân rác thành ba loại, muộn nhất đến ngày 31/12/2024, đó là yêu cầu mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đó, theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022, người dân, hộ dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt hành chính một triệu đồng.
Thế nhưng, nhiều người lại đặt dấu hỏi về việc phối hợp thực hiện phân loại rác giữa các bên, đặc biệt là trong hoạt động thu gom rác thải. Độc giả Dinhnhatanh thắc mắc: "Người dân không phân loại rác đúng theo quy định sẽ bị phạt, có thể sẽ bị từ chối thu gom rác, điều này tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng khi lực lượng thu gom rác không làm đúng quy trình thì người dân sẽ phản ánh cho ai và họ sẽ bị xử lý ra sao?".
Nói về những trải nghiệm từ thực tế phân loại rác tại gia đình, bạn đọc nguyenphi chia sẻ: "Tôi ở một quận vùng ven TP HCM. Cách đây 5 năm, thành phố cũng phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn. Thời gian đó, lệ phí thu gom rác tại khu vực tôi ở là 15.000 đồng/hộ mỗi tháng và nay tăng lên thành 70.000 đồng. Đây là việc làm vừa hưởng ứng phong trào của thành phố, vừa góp phần nhỏ bé để bảo vệ môi trường, vừa là phương thức hỗ trợ giáo dục con nhỏ về vệ sinh công cộng cũng như bảo vệ hành tinh xanh, nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
Tôi bỏ chi phí mua thêm thùng rác và bao bì đựng để phân loại rác thải, yêu cầu các thành viên trong gia đình tuân thủ. Nhưng việc phân tách của gia đình tôi phải dừng lại sau gần một tháng, vì lý do nhân viên thu gom rác yêu cầu chúng tôi không phân tách rác nữa (tạo thêm thao tác thực hiện công việc cho họ - tăng số lần bốc, chuyển rác ra xe). Khi ra xe, dù rác có được phân loại hay không thì công nhân vệ sinh vẫn đổ trộn lẫn vào nhau và tập kết về bãi rác chung. Vậy, làm thế nào để việc phân chia rác tại nguồn đạt hiệu quả, tới nay vẫn chưa thấy cơ quan quản lý Nhà nước có quy định hay chính sách cụ thể mà chỉ dừng lại ở tuyên truyền".
>> Phân loại rác 'đổ sông đổ biển' vì nhân viên thu gom
Có cùng bức xúc khi việc phân loại rác từ nguồn không được thực hiện đồng bộ, độc giả Aspirationmore bình luận: "Việc phân loại rác đã được nói nhiều và thực hiện ở vài nơi cách đây khá lâu nhưng không đạt được thành công như ý muốn. Nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường lại muốn thực hiện ngay, vậy thử hỏi khi người dân thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thì:
- Xe đi gom rác tại từng địa phương, khu dân phố có được bố trí để nhận và tập trung rác lại theo từng nhóm?
- Tại địa điểm nhận rác để phân loại và chuyển đến nhưng nơi xử lý rác, người ta có tiếp tục thực hiện việc phân loại cũng như tách rác ra trong quá trình vận chuyển?
- Thùng rác, túi đựng rác có ký hiệu phân loại sẽ được cấp phát hay người dân phải tự mua? Những ký hiệu cũng như màu sắc có được định nghĩa rõ ràng ngay từ bây giờ hay không?
Tôi nhớ năm 2009, một hệ thống Trung tâm thương mại lớn tại TP HCM đặt thùng rác tại bãi giữ xe và cũng có phân hai loại: thùng màu cam đựng rác thải rắn và thùng màu xanh lá đựng rác dễ phân hủy. Nhưng khi xe thu gom tới lấy rác, họ lại đổ chung tất cả vào một thùng xe. Vậy khác nào là 'công dã tràng'?".
"Tôi nhớ trước đây cũng từng có phong trào phân loại rác rồi. Nhà tôi cũng làm theo một thời gian. Tuy nhiên, phía công ty thu gom rác lại không phân loại riêng từng loại mà đổ hết cả ba loại rác thải vào một chỗ. Vậy là bao nhiêu công sức người dân phân loại từ nguồn trở thành vô dụng. Dần dần, mọi người nản và không muốn làm nữa. Theo tôi, Nhà nước phải có chế tài bắt buộc với các công ty thu gom và xử lý rác thải, đảm bảo họ phải thực hiện đúng việc phân loại rác sau này. Có như vậy tình hình mới dần tốt lên được", bạn đọc Nttong kết lại.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.