Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở nữ giới, cứ khoảng 25 người thì có 10 người mắc. Tình trạng này phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới do niệu đạo của phụ nữ ngắn, gần âm đạo và hậu môn hơn, dẫn đến khả năng tiếp xúc với vi khuẩn cao hơn. Phụ nữ cũng bị nhiễm trùng nấm men nhiều hơn đàn ông, với 75% phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men ít nhất một lần trong đời.
Hai loại nhiễm trùng này đều ảnh hưởng đến vùng dưới xương chậu và bộ phận sinh dục nhưng lại có triệu chứng, nguyên nhân và tình trạng bệnh khác nhau.
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi tiếp xúc với phân có chứa vi khuẩn, ví dụ như E.coli, hoặc nhiễm trùng lây ra đường tình dục, sử dụng các chất diệt tinh trùng, không đi tiểu thường xuyên hoặc hay nhịn tiểu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, béo phì, mãn kinh và có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng có khả năng cao mắc nhiễm trùng đường tiểu.
Nhiễm trùng nấm men xảy ra khi quá quá nhiều loại nấm có tên gọi là candida tích tụ ở vùng da ẩm ướt và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi không quan hệ tình dục. Một số nguyên nhân gây nhiễm trùng nấm men bao gồm: hệ thống miễn dịch thay đổi do căng thẳng, bệnh tật, mang thai; sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc tránh thai nội tiết tố; lượng đường trong máu cao; mặc đồ lót bó sát, hoặc quá chật tạo ra môi trường ẩm ướt trong âm đạo.
Phụ nữ nên đến gặp bác sĩ để có chuẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nếu thấy các dấu hiệu đau, ngứa...
Các triệu chứng cần lưu ý
Hai loại nhiễm trùng này có những triệu chứng khác khác nhau, theo đó, triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: đi tiểu đau, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục, đau ở vùng chậu và đau bụng.
Trong khi dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo là đau khi quan hệ tình dục, âm đạo tiết dịch, sưng, mẩn đỏ và cảm giác nóng rát ở vùng kín.
Phương pháp chuẩn đoán và điều trị
Phương pháp chuẩn đoán của hai tình trạng nhiễm trùng này không giống nhau. Nhiễm trùng đường tiết niệu được chuẩn đoán thông qua xét nghiệm mẫu nước tiểu trong khi nhiễm trùng nấm men phát hiện bằng cách lấy mẫu xét nghiệm với tăm bông.
Các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành cả xét nghiệm nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng nấm men nếu nghi ngờ một trong hai loại nhưng không thể đưa ra kết luận thông qua các phương pháp kiểm tra sức khoẻ.
Cả hai tình trạng nhiễm trùng đều có thể điều trị dễ dàng. Nếu mắc nhiễm trùng tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh. Tuy các triệu chứng sẽ hết trong vòng vài ngày, bạn vẫn cần hoàn thành toàn bộ liệu trình, liều lượng thuốc bác sĩ kê đơn để hạn chế tái nhiễm.
Nhiễm trùng nấm men sẽ dùng thuốc kháng nấm. Những loại thuốc này có thể được kê đơn hoặc mua mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Bệnh nhân có thể dùng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da hoặc sử dụng viên đặt âm đạo. Thời gian điều trị dao động trong khoảng một tuần. Tương tụ như nhiễm trùng đường tiểu, bạn phải sử dụng thuốc theo đúng liều lượng đơn được khuyến cáo để ngăn ngừa tái phát.
Cách ngăn ngừa
Để tránh gặp phải hai tình trạng nhiễm trùng này, các bác sĩ vệ sinh khuyên phụ nữ nên thực hiện một số biện pháp sau. Cần vệ sinh âm đạo theo chiều từ trước ra sau, kiểm soát lượng đường trong máu, mặc đồ lót bằng cotton, tránh mặc quần áo chật, không mặc đồ ẩm ướt, không sử dụng các sản phẩm hóa chất, thụt rửa vùng kín, không nhịn tiểu, uống đủ nước, tránh tắm với nước quá nóng.
Thảo Miên (Theo healthshot)