Bác sĩ Chuyên khoa I Châu Minh Duy, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM, mô tả các cơn đau thận thường được người bệnh miêu tả là đau âm ỉ, đau hai bên, có thể lan ra xung quanh. Nhưng biểu hiện đau ở vùng này đôi khi không phải là dấu hiệu đau thận và dễ nhầm lẫn với các cơn đau lưng thông thường.
Các triệu chứng đau thận khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Phổ biến nhất là cơn đau do sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và chấn thương thận do tai nạn té ngã. Người bị sỏi thận thường cảm thấy cơn đau chói đột ngột như bị vật sắc nhọn đâm vào. Nhiều trường hợp viên sỏi di chuyển xuống niệu quản gây tắc nghẽn, người bệnh sẽ phải chịu những cơn đau dữ dội gọi là bão thận.
Cơn đau quặn thận có thể xuất hiện đột ngột hoặc sau những cơn đau nhẹ ở vùng hông, đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ, không có tư thế giảm đau hiệu quả. Cơn đau có thể chấm dứt đột ngột, sau đó đau âm ỉ vùng hông lưng. Lúc đầu, cơn đau khu trú ở vùng thắt lưng, sau đó lan xuống bẹn, đùi, hố chậu. Tùy theo vị trí tắc nghẽn, cơn đau bão thận có thể lan ra vùng cơ quan sinh dục ngoài. Người bệnh thường kèm theo chướng bụng, nôn mửa.
Ngoài ra, các cơn đau thận còn đến từ các bệnh lý khác viêm bể thận, thận ứ nước, huyết khối tĩnh mạch thận, nang thận, thận đa nang, thận có khối u, ung thư thận...
Nhìn chung, các cơn đau thận và đau lưng có nhiều biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, cơn đau thận sẽ có một số đặc trưng mà người bệnh có thể nhận biết là đau thường xuyên, vị trí cao hơn thắt lưng dưới. Đau tập trung ở nửa lưng trên và cảm giác đau đến từ sâu bên trong. Người bị đau thận sẽ cảm thấy đau dai dẳng dưới khung xương sườn ở một hoặc cả hai bên, đau bụng và có thể lan đến bẹn. Ngoài bị đau, người bệnh còn có các triệu chứng rối loạn đường tiểu như đái buốt, đái nhiều lần, đái máu... và/hoặc táo bón, tiêu chảy, choáng váng, mệt mỏi.
So với đau thận, cơn đau lưng thông thường có vị trí đau thấp hơn. Ngoài đau ở vùng lưng dưới còn có thể lan xuống mông và chân. Khi bị đau lưng do các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp, cơn đau sẽ trầm trọng hơn ở một số động tác và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi, thay đổi tư thế. Người bị đau lưng do các bệnh lý cơ xương khớp còn kèm theo biểu hiện cứng cột sống, tê ngứa chân, yếu một hoặc cả hai chân... Nguyên nhân gây đau lưng thường gặp là do viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, loãng xương, hội chứng chùm đuôi ngựa...
Theo bác sĩ Minh Duy, để điều trị các cơn đau thận, trước tiên bác sĩ cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Ngoài thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, tiền sử chấn thương, bác sĩ còn chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây đau. Người bệnh sẽ được xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm sự xuất hiện của máu, chất đạm, bạch cầu nhằm đánh giá tình trạng của thận. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) để chẩn đoán sỏi thận, đồng thời với các vấn đề khác ở thận và đường tiết niệu. Khi đã tìm được nguyên nhân gây đau thận, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp. Việc điều trị các bệnh lý ở thận tuân thủ nguyên tắc từ bảo tồn đến can thiệp xâm lấn.
Nhìn chung, cơn đau thận là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng của cơ thể, do đó bác sĩ Minh Duy nhắc nhở người bệnh không nên chủ quan. Người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế khi hơi thở có mùi, miệng có vị kim loại, khó thở, sưng mắt cá chân, nhịp tim không đều, chuột rút... Đây là các biểu hiện thận đã bị tổn thương nghiêm trọng, cần phải được xử lý sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Hân Thái