Trung bình cứ 4 người thì có một người gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ, hoặc rò rỉ nước tiểu. Nguyên nhân của tình trạng này khá đa dạng từ bàng quang tăng hoạt đến tiểu gấp. Có nhiều tình trạng tiểu không tự chủ khác nhau, dưới đây là một số tình trạng phổ biến.
Tiểu không tự chủ khi gắng sức
Đây là tình trạng rò rỉ nước tiểu khi ho, cười, hắt hơi hoặc khi vận động như đi bộ, chạy nhảy, tập thể dục. Bất cứ lúc nào có áp lực tăng lên vùng bụng, nước tiểu sẽ rò rỉ ra ngoài.
Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Nguyên nhân là bởi các cơ bàng quan bị suy yếu sau quá trình mang thai, sinh con, mãn kinh, thừa cân, tổn thương niệu đạo. Để kiểm soát tình trạng này, người bệnh nên tập các bài tập cơ sàn chậu, tránh uống rượu và đồ uống chứa caffein, bỏ thuốc lá và duy trì cân nặng khoẻ mạnh.
Tiểu són cấp kỳ
Tình trạng này xảy ra khi một người đột ngột cảm thấy buồn đi vệ sinh và không thể nhịn được đến lúc có thể đi vào toilet. Họ không thể kiểm soát bàng quang của mình.
Tiểu són cấp kỳ thường xảy ra khi bàng quang co bóp vào thời điểm không thích hợp và những cơn co thắt này dẫn đến tiểu không tự chủ. Tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, xảy ra vào những lúc không ngờ tới như trong khi ngủ, sau khi uống nước, thậm chí khi nghe thấy tiếng nước chảy.
Nguyên nhân của các cơn co thắt bàng quan có thể do tổn thương dây thần kinh hoặc cơ bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt
Đây là tình trạng một người cần đi tiểu thường xuyên, nhu cầu đột ngột, khẩn cấp, không thể kiểm soát, ngay cả khi bàng quang chỉ đang chứa một lượng rất ít nước tiểu.
Bàng quang tăng hoạt là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến cả nam và nữ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều hơn ở người cao tuổi. Ở nam giới, những người vấn đề về tuyến tiền liệt có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố khác có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt bao gồm tác dụng phụ của thuốc, tiêu thụ quá nhiều caffein và rượu, các vấn đề về thận.
Một trong những cách tự nhiên để khắc phục tình trạng này là huấn luyện bàng quang nhằm chống lại cảm giác thôi thúc đi tiểu. Người bệnh bắt đầu tập luyện bằng cách kháng cự cảm giác muốn đi tiểu trong vài phút, dần dần tăng thời gian lên một giờ hoặc hơn giữa các lần đi vệ sinh. Kỹ thuật này chỉ phù hợp với những người có bàng quang tăng hoạt và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tiểu không tự chủ hỗn hợp
Loại tiểu không tự chủ này là sự kết hợp của nhiều vấn đề khác nhau dẫn đến hiện tượng són tiểu. Trong hầu hết trường hợp là sự kết hợp giữ tiểu không tự chủ do gắng sức và tiểu són cấp kỳ. Để cải thiện triệu chứng, người bệnh cần liên hệ bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Bên cạnh các loại phổ biến kể trên có một số tình trạng tiểu không tự chủ khác có thể gặp phải như:
Tiểu không tự do do tăng lưu lượng, biểu hiện khi nước tiểu rò rỉ một lượng ít, không kiểm soát. Nguyên nhân là do bàng quang đầy nước tiểu gây cảm giác tiểu không hết nước và rất muốn đi tiếp nhưng không được. Tình trạng này thường gặp ở nam giới, liên quan đến tắc nghẽn đường thoát của nước tiểu, ví dụ như phì đại lành tính hoặc u tiền liệt tuyến.
Són tiểu chức năng: Nước tiểu thoát ra ngoài do một người không thể đi vệ sinh kịp thời, có thể do vấn đề về khả năng vận động.
Tiểu không tự chủ tạm thời xảy ra khi có một yếu tố gây ra tình trạng són tiểu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và sẽ biến mất khi loại bỏ nguyên nhân, ví dụ do dùng thuốc.
Đái dầm là tình trạng tiểu không tự chủ khi đang ngủ.
Thùy Minh (Theo Health)