Arab Saudi, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong số ít "ông lớn dầu mỏ" có nguồn cung dư thừa, trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ và đồng minh khi giá dầu thế giới liên tục tăng kỷ lục.
Cố vấn an ninh Mỹ Brett McGurk cùng phái đoàn Mỹ hôm 15/3 gặp các quan chức cấp cao Arab Saudi, thúc giục họ tăng lượng dầu xuất khẩu và tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm dứt chiến tranh Yemen, nơi liên quân do Riyadh dẫn đầu chống lại nhóm dân quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
Một ngày sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng bay tới Arab Saudi. Thủ tướng Johnson mô tả Arab Saudi và UAE là "đối tác quốc tế quan trọng" trong nỗ lực loại bỏ hydrocarbon và tăng áp lực với Tổng thống Vladimir Putin vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, Abdulkhaleq Abdulla, nhà phân tích chính trị nổi tiếng của UAE, cho rằng Anh không nên kỳ vọng quá nhiều. "Ông Boris Johnson sẽ ra về tay trắng", ông viết trên Twitter.
Giới quan sát cũng nhận định Arab Saudi không mặn mà với lời kêu gọi của phương Tây về tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu, khi quan hệ giữa Riyadh và Washington không êm đẹp trong thời gian qua.
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt từ Mỹ liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, vấn đề nhân quyền và cuộc chiến ở Yemen. Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nay vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với Thái tử Mohammed.
Khi quan hệ với Mỹ lao dốc, Thái tử Mohammed đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, dù vương quốc này vẫn có mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Washington.
Chính phủ Arab Saudi chưa trả lời yêu cầu bình luận về hai chuyến thăm của Thủ tướng Anh và cố vấn an ninh Mỹ. Trong khi đó, Riyadh đã báo hiệu họ muốn mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh khi mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm quốc gia này trong năm nay. Wall Street Journal cho biết Arab Saudi đang đàm phán để định giá một số dầu thô bán cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.
"Nếu Arab Saudi làm như vậy, nó sẽ thay đổi động lực của thị trường ngoại hối", một nguồn tin am hiểu vấn đề nói, thêm rằng động thái này có thể tạo động lực để những bên mua khác làm theo.
Bộ Năng lượng Arab Saudi từ chối bình luận về thông tin này.
Một nhà ngoại giao cho biết khi quan hệ với phương Tây gặp trắc trở, Arab Saudi có thể coi phương án bán dầu bằng đồng nhân dân tệ như một công cụ gây sức ép với Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái này có thể đẩy Arab Saudi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", bởi bất kỳ sự dịch chuyển nào sang đồng nhân dân tệ cũng đối mặt nhiều thách thức, khi dầu thô được thế giới định giá bằng đôla Mỹ. Đồng đôla cũng đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Arab Saudi, trong khi nhân dân tệ chưa làm được điều đó.
"Sẽ thật thiếu thận trọng nếu không đề cập tới số nợ được định giá bằng đôla, tài sản dự trữ bằng đôla của Arab Saudi và việc họ nắm giữ cổ phiếu Mỹ", Karen Young, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói. "Arab Saudi và Trung Quốc có thể ký một số hợp đồng bằng đồng nhân dân tệ, nhưng chính sách tiền tệ của Riyadh không thay đổi".
Ngân hàng trung ương Arab Saudi có tài sản trị giá 492,8 tỷ USD tính tới cuối tháng 1, trong đó có 119 tỷ USD dưới dạng trái phiếu kho bạc Mỹ.
Chính phủ này có khoản nợ ngoại tệ, chủ yếu là đồng đôla Mỹ, lên tới 101,1 tỷ USD vào cuối năm 2021, trong khi quỹ đầu tư quốc gia Arab Saudi có tới 56 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu Mỹ.
Monica Malik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, nói Arab Saudi có thể từ từ chuyển đổi một số hợp đồng sang nhân dân tệ, nhưng điều này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng và tác động cũng rất hạn chế.
"Ý tưởng bán dầu bằng nhân dân tệ của Arab Saudi chỉ là một động thái mang tính biểu tượng hơn là mối đe dọa thực sự với vị thế của đồng đôla", Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, Mỹ, nói. "Nó chỉ có thể làm sứt mẻ một chút vai trò đồng tiền dự trữ của USD, không hơn không kém".
Trong bài viết trên Washington Post đầu tuần này, nhà phân tích Cinzia Bianco nhận định trong một trật tự thế giới đa cực như hiện nay, các nước Vùng Vịnh như Arab Saudi không muốn bị buộc phải đứng về phe nào và muốn lựa chọn phương án phòng ngừa rủi ro.
Dường như nhận ra tình thế khó xử này của Arab Saudi, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/3 tuyên bố rằng Washington không yêu cầu các đồng minh phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả khi các quan chức nước này đang họp ở Riyadh.
Thanh Tâm (Theo Reuters)