Nhà Trắng đã giải quyết được những lo ngại của các đồng minh về sự tin cậy của tình báo Mỹ sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan năm ngoái, cũng như câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Washington trước các mối đe dọa của thế giới sau 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.
Erin Hurley, chuyên gia về sự giao thoa giữa chính sách an ninh quốc gia và chính trị trong nước của Mỹ, cho rằng Tổng thống Joe Biden xứng đáng được ghi nhận vì những nỗ lực ứng phó với cuộc xung đột Ukraine.
Tổng thống Biden đang có lợi thế trong nước để theo đuổi chiến lược ứng phó với cuộc xung đột Ukraine, khi ông nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ lưỡng viện, không còn những tiếng nói ủng hộ Nga trong đảng Cộng hòa và dư luận Mỹ thông cảm với cuộc khủng hoảng hiện tại.
Quốc hội Mỹ đã rất quan tâm tới hoạch định chính sách của Mỹ với Nga và Ukraine trong thập kỷ qua. Các luật về viện trợ quân sự cho Ukraine, hay trừng phạt Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp bầu cử Mỹ, đã có thể thực hiện thông qua sự phối hợp mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống, cựu tổng thống Trump từng dành nhiều lời khen ngợi và thể hiện thái độ nồng nhiệt với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các thành viên đảng Cộng hòa dường như đã "bao dung" với thái độ của Trump dành cho ông Putin, nhưng họ không thay đổi quan điểm vốn không tích cực với lãnh đạo Nga.
Tucker Carlson, nhà bình luận có tầm ảnh hưởng của Fox News, hồi tháng 2 từng tỏ ra đồng thuận với Điện Kremlin rằng Ukraine là con rối của phương Tây, nhưng gần đây đã thay đổi quan điểm, khi thừa nhận hành động của ông Putin là đáng trách và cần bị trừng phạt.
Nhóm chính trị gia cực hữu vốn luôn trung thành với tổng thống Trump cũng không còn lên tiếng ủng hộ lãnh đạo Nga. Mike Pence, cựu phó tổng thống Mỹ và từng là người trung thành với Trump, trong bài phát biểu trước các nhà tài trợ của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa hôm 4/3, không chỉ chỉ trích những người ủng hộ ông Putin trong đảng mà còn ca ngợi NATO.
"Bạn bè của chúng ta ở Đông Âu sẽ thế nào nếu không có NATO? Xe tăng Nga có thể đi tới đâu nếu NATO không mở rộng biên giới tự do?", ông nói.
Một cuộc thăm dò đầu tháng này của NPR chỉ ra 83% người được hỏi ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và đồng minh đã áp lên Nga. Cũng trong cuộc thăm dò này, tỷ lệ ủng hộ chung của Tổng thống Biden đã tăng lên 47%, cao hơn 8% so với tháng trước.
Các nhà phân tích nhận định nguy cơ chính sách đối ngoại hiện tại của chính quyền ông Biden với xung đột Ukraine bị cản trở ở trong nước là rất thấp.
Ngay từ khi đắc cử, Tổng thống Biden đã tuyên bố đưa Mỹ trở lại vị thế lãnh đạo toàn cầu và hàn gắn các liên minh sau bốn năm rạn nứt dưới thời Trump. Và cuộc xung đột Ukraine được cho là cơ hội để làm điều đó.
Trước khi xung đột Ukraine xảy ra, ông Biden đã tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ, nhưng chủ yếu để tạo ra một mặt trận chống Trung Quốc. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã mở rộng sứ mệnh của Mỹ một cách đáng kể và khẩn trương, tạo tiền đề cho thay đổi địa chính trị lớn hơn.
"Chúng tôi đã cố gắng hướng tới một kỷ nguyên mới trong một thời gian dài. Và bây giờ, tôi nghĩ chiến dịch của ông Putin đã đòi hỏi người Mỹ phải trở lại vị thế cao hơn", Benjamin J. Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh Mỹ dưới thời ông Barack Obama, nói.
Tổng thống Mỹ Biden ký thông qua dự luật chi tiêu hàng năm của Mỹ, trong đó có khoản viện trợ Ukraine 13,6 tỷ USD, tăng gấp đôi so với đề xuất 6,4 tỷ USD trước đó. Đầu tháng này, Mỹ cũng thông qua gói hỗ trợ vũ khí trị giá 350 triệu USD, trong đó có tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, tên lửa phòng không FIM-92 Stinger, vũ khí cá nhân và đạn cho Ukraine.
Cùng với đó, Mỹ cũng áp hàng loạt biện pháp trừng phạt với Nga vì xung đột Ukraine, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moskva. Anh và liên minh châu Âu ngay sau đó công bố kế hoạch cắt giảm lượng dầu, khí đốt nhập từ Nga trong năm nay, giúp hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung của Moskva.
Tổng thống Biden ngày 11/3 tuyên bố Mỹ và các đồng minh NATO, G7, EU sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga do chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Ông gọi đây là "cú đánh bồi mạnh mẽ vào nền kinh tế Nga", sau khi phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt khác, trong đó có loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Tổng thống Joe Biden tuần trước nói "thế giới tự do đã xích lại gần nhau" trong nỗ lực chống lại Nga.
"Chính quyền ông Biden đã đóng vai trò rất quan trọng để tập hợp liên minh châu Âu và toàn cầu trừng phạt Nga, do phát động cuộc chiến vào nước láng giềng Ukraine. Qua đó, sức mạnh ngoại giao của Mỹ đang ở mức tốt nhất: lãnh đạo nhưng không thống trị", chuyên gia Erin Hurley nhận xét.
Đức gây bất ngờ khi tuyên bố chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga và đảo ngược chính sách đối ngoại tránh gửi vũ khí tới các khu vực xung đột, cũng như tăng ngân sách quốc phòng.
Phần Lan và Thụy Điển đã chấm dứt hàng chục năm theo đuổi chính sách không liên minh quân sự, khi gửi vũ khí cho Ukraine. Một cuộc thăm dò gần đây còn chỉ ra 53% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO, tăng từ 19% năm 2017. Tỷ lệ này thậm chí tăng lên 66% nếu Thụy Điển cũng tham gia.
Hurley tin rằng những động thái đầy quyết tâm của các nước châu Âu được đưa ra dựa trên niềm tin chắc chắn rằng họ sẽ có Washington hậu thuẫn.
Trước những lo ngại về an ninh châu Âu, Mỹ đang điều động thêm quân tới các nước sườn đông NATO để trấn an đồng minh và tăng tính răn đe với Nga.
"Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ từng tấc đất trong lãnh thổ NATO. Nếu bất cứ cuộc tấn công quân sự nào xảy ra trên lãnh thổ NATO, Điều 5 trong hiệp ước của khối sẽ được kích hoạt và chúng tôi sẽ dốc toàn bộ lực lượng của liên minh để đáp trả", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời phỏng vấn hôm 13/3, sau khi Nga không kích một căn cứ quân sự ở phía tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề hôm 14/3 cho biết quan chức Nhà Trắng đang thảo luận khả năng Tổng thống Mỹ đến gặp các lãnh đạo trong liên minh NATO tại Brussels, Bỉ vào ngày 23/3, sau đó tới Ba Lan, quốc gia láng giềng với Ukraine. Nếu diễn ra theo dự tính, chuyến thăm của ông Biden được cho là sẽ tăng cường nỗ lực củng cố các liên minh của Mỹ ở châu Âu.
Giới quan sát cho rằng những động thái của Mỹ gần đây giúp Washington dần lấy lại niềm tin giữa các đồng minh châu Âu.
"Nó mang lại những dấu hiệu tích cực về sự tin cậy của Mỹ với tư cách là một đồng minh trong thời kỳ khủng hoảng", Hurley nói về tác động của xung đột Ukraine.
Thanh Tâm (Theo CNA, NY Times)