Nhiều người cho rằng cuộc xung đột Nga và Ukraine đã kéo sức mạnh và sự chú ý của Mỹ về châu Âu, khiến Tổng thống Joe Biden khó tập trung vào Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Thế giới bị phân tâm với Nga và không tập trung vào Trung Quốc, giúp giảm bớt áp lực đối với nước này", Raffaello Pantucci, cộng sự cấp cao tại Viện RUSI ở Anh, nói.
Dưới áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga tuần trước, "Nga sẽ phải quay sang Trung Quốc nhiều hơn để bán dầu khí và nhiều hàng hóa khác", theo Charlie Parton, người có nhiều hiểu biết về Trung Quốc sau khi dành 22 năm trong sự nghiệp ngoại giao 37 năm ở cơ quan đối ngoại Anh để nghiên cứu về cường quốc châu Á.
Ông thêm rằng biện pháp trừng phạt từ phương Tây cũng có thể khiến Nga phải tăng nhập khẩu hàng hóa và thiết bị từ Trung Quốc. Trong năm 2019, 22% hàng hóa và thiết bị của Nga nhập từ Trung Quốc và thị phần nhập khẩu này có thể tăng lên đáng kể.
Khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Moskva có thể sẽ cân nhắc về khả năng gia nhập hệ thống thanh toán liên ngân hàng CIPS của Trung Quốc, một công cụ tài chính giúp chuyển từ đôla Mỹ sang nhân dân tệ, theo các nhà phân tích.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng xung đột Nga - Ukraine đặt Trung Quốc trước những thách thức lớn hơn nhiều so với lợi thế ngắn hạn. Trước đây, Trung Quốc luôn nhấn mạnh nguyên tắc "toàn vẹn lãnh thổ" và không can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền. Chiến dịch của Nga đang đi ngược nguyên tắc này.
"Trung Quốc không muốn đứng về phe nào trong cuộc xung đột, đặc biệt vì quan điểm của nước này là ủng hộ chủ quyền và phản đối hành động đơn phương của các quốc gia hùng mạnh", theo Neil Melvin, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện RUSI.
Melvin thêm rằng một chiến dịch kéo dài có thể khiến Trung Quốc mất đi "lợi ích kinh tế quan trọng ở châu Âu và Mỹ".
"Khi xung đột kéo dài, sự cân bằng giữa lợi thế và bất lợi sẽ chống lại Trung Quốc. Họ chắc chắn rất lo lắng về sự gián đoạn thương mại và đầu tư. Trung Quốc càng ở trong vòng an toàn hoặc vẫn ngầm ý ủng hộ Nga, càng nhiều nước sẽ quay lưng với họ", Parton nói.
Joseph Torigian, phó giáo sư Đại học Mỹ, nhận định "Trung Quốc sẽ không hy sinh lợi ích kinh tế để giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt phương Tây".
Một cuộc chiến kéo dài có thể tiếp tục khiến giá dầu tăng vọt, điều mà Pantucci cho rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn như Trung Quốc.
Với một quốc gia khoảng 1,4 tỷ dân như Trung Quốc, đảm bảo an ninh lương thực là rất quan trọng. Cuộc xung đột đang khiến Bắc Kinh lo lắng bởi Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì thứ năm thế giới và xuất khẩu 16% lượng ngũ cốc toàn cầu, chiếm khoảng 30% lượng ngô nhập khẩu của Bắc Kinh.
"Nếu giá lương thực tăng do Ukraine không còn sản xuất lượng ngũ cốc như hiện nay, đó sẽ là vấn đề với Trung Quốc", Pantucci nói.
2022 được đánh giá là năm quan trọng, khi đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc, sự kiện trọng đại có thể giúp ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ quyền lực. Trong khi đó, tình hình Covid-19 ở Trung Quốc diễn biến phức tạp khi nhiều thành phố phải phong tỏa ngăn dịch. Do đó, lãnh đạo Trung Quốc sẽ muốn duy trì sự ổn định và không muốn xung đột Ukraine ảnh hưởng tới quốc gia này, theo các nhà phân tích.
Áp lực đã trở nên rõ ràng hơn khi ngày 15/3, khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ tài chính và quân sự cho Nga. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ chia rẽ.
Trong cuộc nói chuyện với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh muốn tránh thiệt hại từ các lệnh trừng phạt đang gây ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu.
"Trung Quốc không phải là một bên liên quan trực tiếp tới khủng hoảng và không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nhiều hơn nữa", ông Vương cho biết.
Melvin cho rằng chiến dịch của Nga đang đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn bởi mối quan hệ chiến lược Nga - Trung đang phát triển trước khi xung đột nổ ra.
"Xung đột đã gắn kết cộng đồng phương Tây và đây cũng là thách thức với Trung Quốc", Melvin nói.
Ngoài ra, giới quan sát tin xung đột Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Melvin tin Tổng thống Vladimir Putin đã không thông báo cho ông Tập rằng "Nga sẽ phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine" và tình báo Trung Quốc dường như cũng không biết ý định của Moskva ở Kiev.
"Cả hai đều đặt ra câu hỏi về mối quan hệ Nga - Trung. Khi xung đột kéo dài, những căng thẳng có thể càng tăng lên", Melvin nói, thêm rằng Trung Quốc đang "đi trên dây" khi vừa phải giữ mối quan hệ với Nga, vừa không ủng hộ chiến tranh.
Giới quan sát nhấn mạnh cuộc xung đột Ukraine đã nhân lên những thách thức đối với ông Tập trong một năm mà giới chức Trung Quốc cam kết đặt sự ổn định chính trị lên hàng đầu. Người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải tiếp tục khẳng định vị thế nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.
Đây sẽ trở thành động lực để thôi thúc Trung Quốc tìm cách tránh bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine.
"Những lời khẳng định rằng Trung Quốc đã biết, đồng ý hoặc ngầm ủng hộ cuộc chiến này hoàn toàn là thông tin sai lệch. Nếu Trung Quốc biết cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn nó", Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương khẳng định quan điểm của Bắc Kinh trên tờ Washington Post.
Thanh Tâm (Theo NY Times, TRT World, Bloomberg)