Hình phạt tù của cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng tính từ ngày bị bắt, 8/12/2017, TAND Hà Nội nêu trong bản án tuyên chiều 15/3. Theo Bộ luật Hình sự, tổng hình phạt của án tù có thời hạn sẽ không quá 30 năm tù.
Cựu chủ tịch Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Cùng với hai bản án trước, bị cáo Thanh chấp hành hình phạt chung là chung thân.
Với 9 người ở nhóm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, TAND Hà Nội tuyên phạt Vũ Thanh Hà (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Xuân Thủy (cựu phó Phòng đầu tư dự án PVB), Khương Anh Tuấn (cựu phó Phòng thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (cựu kế toán trưởng PVB) mỗi người 30 tháng tù; Lê Thanh Thái (cựu trưởng Phòng kinh doanh PVB) 24 tháng; Phạm Xuân Diệu (cựu tổng giám đốc PVC) 3 năm 6 tháng; Nguyễn Ngọc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC) 3 năm; Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng Ban kinh tế kế hoạch PVC) 28 tháng; Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị phạt 4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356. Tổng hợp hình phạt với bản án trước, ông Hồng phải chấp hành hình phạt chung 17 năm tù.
Về dân sự, HĐXX tuyên phạt 11 bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng phải liên đới bồi thường cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Trong đó, ông Thăng bồi thường 200 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh hơn 143 tỷ đồng, Vũ Thanh Hà 100 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại và hai đồng phạm khác (không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do mắc bệnh hiểm nghèo) mỗi người bồi thường 10 tỷ đồng.
Toà buộc PVC Kinh Bắc hoàn trả cho PVC hơn một tỷ đồng; giao lại quyền sử dụng thửa đất 3.400 m2 đất ở Tam Đảo cho PVC. Ngoài ra, bị cáo Thanh phải truy nộp hơn 3 tỷ đồng hưởng lợi.
Đây là vụ án thứ 4 ông Thăng phải hầu tòa, tổng tiền phải bồi thường trong các vụ án khoảng 830 tỷ đồng. Bị cáo Thanh phải bồi thường tổng cộng khoảng 170 tỷ đồng.
Năm 2007 Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án.
Bản án xác định PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị cáo dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.
Ông Thăng bị kết tội có vai trò chính, là người chỉ đạo PVB giao chỉ định thầu cho PVC, trái quy định pháp luật. Bà Bình cùng nhiều bị cáo đã tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của ông Thăng, triển khai các quyết định.
"Hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực là nguyên nhân chính khiến dự án bị tạm dừng, đến nay chưa hạng mục nào hoàn thành", bản án nêu.
Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư PVB đã dùng hơn 1.400 tỷ đồng để thực hiện dự án trong đó có khoản tiền vay ngân hàng. Thiệt hại hơn 543 tỷ đồng trong vụ án này là toàn bộ lãi suất và số tiền PVB còn phải trả ngân hàng.
"Thực tế thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều nhưng HĐXX đã tính theo hướng có lợi nhất cho các bị cáo", bản án nêu.
Trong việc thâu tóm 3.400 m2 đất ở Tam Đảo, bản án nhận định ông Thanh thành lập Công ty PVC Kinh Bắc cùng bị cáo Hồng sau đó bàn bạc về việc mua 3.400 m2 đất tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC.
Cựu chủ tịch PVC chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng. Tuy nhiên để hợp thức việc cho vay tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, bị cáo Thanh và Hồng đã làm các thủ tục chuyển 21 tỷ đồng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc. Điều này trái quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Trong những ngày diễn ra phiên toà, ông Thăng liên tục bị cách ly khi HĐXX xét hỏi các bị cáo khác. Được trình bày trong phần tranh luận, ông phản ứng, cho rằng "mỗi buổi chỉ được tham gia vào phút bù giờ" nên khó nắm trọn vẹn diễn biến. Ông đề nghị HĐXX bù lại thời gian song không được chấp nhận.
Ông phủ nhận toàn bộ cáo buộc, không thừa nhận vai trò chủ mưu; cho rằng "vô tội" và tự nhận đã "làm việc vì lợi ích dân tộc, không tư lợi" với lý do khi chủ trương đầu tư dự án được Chính phủ phê duyệt, ông tiếp nhận và triển khai với vai trò người đứng đầu PVN.
Suốt phiên xử, ông khẳng định không tác động, chỉ đạo hay tác động đến việc chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Theo đó, chủ đầu tư PVB là đơn vị độc lập, không thuộc PVN nên "không có lý do gì phải làm theo chỉ đạo". Với tư cách trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, nhiệm vụ của ông chỉ là đôn đốc tiến độ. Các phần liên quan nhà thầu và giá thầu hoàn toàn do chủ thầu PVB và nhà thầu tự quyết định.
Trong khi đó, phần lớn các bị cáo còn lại đều khai không thể làm trái ý lãnh đạo. Cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh trình bày ngay từ đầu đã biết dự án không thể hoàn thành với giá bỏ thầu 59 triệu USD nên "không muốn nhận". Song dưới sức ép của ông Thăng, bị cáo này vẫn phải ký hợp đồng thực hiện dự án với giá trên.
Bị cáo Thanh phủ nhận cáo buộc cho rằng nguyên nhân khiến dự án phải dừng do năng lực liên danh nhà thầu không đủ năng lực. "Sai phạm ở Ethanol Phú Thọ là thiếu tiền" bị cáo Thanh nói.
Tranh luận với các quan điểm bào chữa trên, VKS khẳng định "hành vi phạm tội của ông Thăng đúng như cáo trạng". Các quan điểm bào chữa ông Thăng không có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận. Vụ án này có "lợi ích nhóm".
PVB là công ty cổ phần ngoài tập đoàn nhưng thành lập theo chủ trương của PVN căn cứ nghị quyết ông Thăng trực tiếp ký. PVB còn là "con đẻ" của PVC, công ty thành viên của PVN. Từ đó, cơ quan công tố khẳng định PVB hoạt động chịu sự chi phối của PVN mà trực tiếp là người đứng đầu - ông Thăng.
Khi chỉ định thầu, ông Thăng đã loại bỏ các tiêu chí về năng lực của liên doanh nhà thầu mà yêu cầu PVC chỉ cần chấp nhận giá PVB đưa ra. "Hành vi làm trái của ông Thăng dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng", công tố viên nêu.
Trong 5 ngày diễn ra phiên toà, phần trả lời xét hỏi, tự tranh luận của ông Thăng và một số bị cáo nhiều lần bị mất tín hiệu đường truyền từ phòng xét xử ra khu vực phóng viên theo dõi, tường thuật. Hơn nửa thời gian nói lời sau cùng của ông Thanh cũng trong tình trạng tương tự.
Phạm Dự - Thanh Lam