Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 2/3, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an, đã trả lời VnExpress về thông tin một số cán bộ công an được khen thưởng vì có thành tích trong vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, ông Trịnh Xuân Thanh được coi là mắt xích trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam. "Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và được người dân rất quan tâm", Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Ngày 15/9/2016, cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án. Sau đó, ngày 19/9 cơ quan điều tra quyết định khởi tố bổ sung với 22 bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ các hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án, thu hồi hơn 7,3 tỷ đồng do các bị can nộp khắc phục; kê biên nhiều tài sản, bất động sản, xe ôtô, phong tỏa nhiều tài sản ngân hàng, cổ phiếu có liên quan đến các bị can, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Theo ông Xô, vụ án đến nay đã được kết luận điều tra, truy tố và tòa xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bản án có hiệu lực thi hành pháp luật. Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên phạt chung thân với hai tội danh: 14 năm tù về tội cố ý làm quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân về tội tham ô tài sản.
"Như vậy vụ án được khởi tố, điều tra xét xử đúng pháp luật, thu hồi tài sản các bị can gây thất thoát, chiếm đoạt, nộp vào ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra", Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định.
Ông nói, có được kết quả đó là nhờ thành tích của nhiều đơn vị tham gia tiến hành tố tụng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan giám định, định giá tài sản.
Sau khi xét xử, các cơ quan đều họp rút kinh nghiệm, đánh giá và khen thưởng các cá nhân có thành tích trong phá án. Thế nhưng, "vừa qua qua một số bức ảnh không rõ xuất xứ, một số cá nhân, tổ chức, các thế lực chống đối đã thêu dệt câu chuyện, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của công an, đất nước, làm mọi người hiểu lầm".
"Việc khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân tham gia vụ đại án, kéo dài nhiều năm như vậy là điều hoàn toàn bình thường", ông Xô nói.
Các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh bị phát giác từ đầu tháng 6/2016 khi ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ba tháng sau đó, Bộ Công an khởi tố vụ án, bị can tội cố ý làm trái song ông Thanh đã bỏ trốn sang châu Âu và bị phát lệnh truy nã quốc tế. Tháng 7/2017, Bộ Công an thông báo ông Thanh đã ra "đầu thú" tại Cơ quan An ninh điều tra.
Năm 2018, ông Thanh bị tuyên phạt tù chung thân về các tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Hoàng Thùy