Sáng 10/3, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 12 bị cáo liên quan sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ. Trong lúc luật sư tham gia xét hỏi ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng tiếp tục bị cách ly.
Trong gần một giờ trả lời xét hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc, Trịnh Xuân Thanh ba lần quả quyết nói "chưa bao giờ làm cái gì một mình và ký cái gì mà không thông qua HĐQT".
Ông Thanh cho biết cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) đều biết PVC chưa thực hiện dự án nào liên quan dự án nhiên liệu sinh học. Thế nhưng PVC trước đó đã thực hiện tốt rất nhiều dự án lớn của ngành dầu khí như Lọc dầu Dung Quất, Nhơn Trạch, Vũng Áng. Trước khi nhận dự án Ethanol Phú Thọ, PVC đã có những đề xuất công khai nên cả PVN và PVB đều biết chứ "không có chuyện làm sai lệch hồ sơ".
"Hơn nữa, thời điểm đó PVC được lựa chọn là nhà thầu bởi đang có chủ trương phát huy đơn vị nội địa mạnh. Với quy mô công trình công nghiệp nên PVC tham gia dự án", ông Thanh nói và cho hay khi thực hiện những dự án lớn, PVC đã hoàn thiện và nâng cao năng lực bằng cách thuê thêm nhiều chuyên gia nước ngoài. Và thực tế, việc này đã làm rất tốt ở các dự án dầu khí trước.
"Mảng việc của PVC có phải chỉ liên quan chủ yếu đến xây dựng?", luật sư Phúc hỏi. Ông Thanh khai khi triển khai dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, phần xây dựng chỉ là những phần đơn giản nên PVC thừa năng lực. "Đây không phải là mấu chốt khiến dự án bị tạm dừng. Suốt quá trình điều hành dự án này, PVN và PVB chỉ bàn nhiều về vấn đề thiếu tiền", bị cáo trả lời luật sư.
"Ngay từ đầu tôi đã nói với HĐQT PVC là không làm được dự án TK05 - gói thầu EPC trị giá hơn 59 triệu USD. Dự án này khá giống dự án Dung Quất cả về công suất, kỹ thuật. Tuy nhiên dự án Dung Quất đi vào hoạt động mà vẫn loay hoay bởi giá nhiên liệu rất cao", ông Thanh trả lời và đánh giá nếu dự án Ethanol Phú Thọ không dừng lại giữa chừng còn thua lỗ rất nhiều tiền hơn nữa.
Ông Thanh có một công văn chỉ đạo của PVN (do Phó tổng giám đốc PVN Trần Thị Bình ký theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng) về việc phải thực hiện dự án với giá 59 triệu USD nên PVC đành chấp hành "dù có báo cáo giá đó không làm được".
"Ông thấy sao khi bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng trong dự án này", luật sư Phúc hỏi. Ông Thanh cho rằng đây là số tiền rất lớn, phát sinh do lãi vay chứ không phải tham ô nhưng lại bắt ông chịu thiệt hại. Tháng 3/2013, ông cũng không điều hành PVC nữa do đang đi học. Thời điểm này lại có công văn dừng dự án nên tiền lãi vay thì chủ đầu tư chịu, không thể bắt người đi làm thuê như PVC phải chịu.
"Ví dụ trong vụ án Nhiệt điện Thái Bình, tôi bị tuyên bồi thường 30 tỷ đồng vì sai phạm của cả hệ thống. Vậy tôi lấy đâu ra tiền để bồi thường", ông Thanh nói và đề nghị HĐXX lưu tâm khi ra bản án sao cho nghiêm minh, đúng pháp luật và đảm bảo về tính khả thi khi thực hiện.
Ngoài sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, cựu chủ tịch PVC còn bị cáo buộc thành lập Công ty PVC Kinh Bắc cùng bị cáo Đỗ Văn Hồng từ năm 2009. Ông Thanh sau đó bàn với Hồng mua 3.400 m2 đất tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc của Công ty Metrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC. Ông Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, để hợp thức việc cho vay tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, ông Thanh và Hồng đã làm các thủ tục chuyển 21 tỷ đồng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc. Điều này trái quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Phản bác cáo buộc này, ông Thanh hai lần lớn giọng đáp chỉ có công văn về chủ trương tăng vốn, còn khi muốn thực hiện chuyển tiền phải có nghị quyết của HĐQT PVC. Về trình tự góp vốn, sau khi có chủ trương, Ban Tổng giám đốc phải làm tờ trình xin ý kiến ông Thanh để ông trình ra các thành viên HĐQT.
"Việc ông Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc PVC ngày đó) tự ký quyết định góp vốn khi mới chỉ có chủ trương của tôi là sai. Đây cũng là trường hợp sai duy nhất ở PVC. Lẽ ra khi có có chủ trương của tôi, anh Tiến phải trình lên xin kiến để HĐQT ra nghị quyết. Tôi không nói chủ trương góp vốn này như nào nhưng mà anh Tiến đã làm tắt dẫn đến sai quy trình, gây thiệt hại", bị cáo Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng không có chủ trương và cũng không bàn bạc với bị cáo Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc) về việc mua 3.400 m2 đất ở Tam Đảo. Ông Thanh cho hay năm 2010 được ông Hồng chia sẻ chuyện định triển khai dự án kinh doanh một resort ở Tam Đảo.
"Thấy vậy tôi liền nói, nếu làm thì tôi sẽ mua một căn cho gia đình lên ở. Sau đó ông Hồng làm gì tôi cũng không biết. Một năm sau khi có phán ánh của nhiều người, tôi mới gọi ông Hồng lên để hỏi cụ thể sự việc", ông Thanh khai.
Năm 2016, khi lên Tam Đảo chơi ông Thanh biết công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án nên mới nói vợ huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu. Được gọi lên đối chất, bị cáo Hồng xác nhận là đúng.
Trong 12 bị cáo, ông Thanh là người duy nhất bị xét xử về hai tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356.
Chiều nay, phiên toà tiếp tục làm việc.
Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol Phú Thọ và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng vẫn "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng. Dự án hiện đình trệ nhiều năm.
Thanh Vân - Phạm Dự