18h ngày 12/3, TAND Hà Nội cho 12 bị cáo trong vụ án sai phạm tại Ethanol Phú Thọ nói lời sau cùng sau 5 ngày xét xử. Toà thông báo nghị án kéo dài và ra phán quyết vào 16h ngày 15/3, sớm hơn dự kiến 5 ngày.
Là người cuối cùng trình bày, ông Đinh La Thăng cho hay đã cùng các thuộc cấp ở PVN, PVC nỗ lực thực hiện tốt dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Ông và các nhân viên luôn làm việc vì đất nước, nhân dân và đặc biệt không tư lợi cá nhân. Ông nhận đã luôn làm việc quyết liệt theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ để đạt kết quả tốt nhất nhưng "trong quá trình thực hiện không thể tránh được rủi ro".
Nói về các thuộc cấp trong vụ án, cựu chủ tịch PVN Thăng đánh giá cựu phó tổng giám đốc Trần Thị Bình có năng lực, nhiều thành tích, hiệu quả công việc cao trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ông Thăng mong toà xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bà Bình, còn mình "xin nhận thay cả phần hình sự lẫn dân sự".
Ông Thăng cũng mong HĐXX xem xét trách nhiệm các bị cáo khác. "Trong vụ án này chính tôi là người triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ; không có sự bàn bạc, đồng phạm. Tôi làm thì chịu trách nhiệm nhưng khẳng định tôi không có sai sót. Tôi vô tội", ông Thăng lớn giọng nói.
Khi nói lời sau cùng, cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh vung tay liên tục, quay về phía các bị cáo bên cạnh, trình bày trong 3 năm 8 tháng bị tạm giam đã suy nghĩ rất nhiều. Ông biết bản thân cũng nhiều lỗi lầm nên mong HĐXX xem xét. Đánh giá các thuộc cấp đều là những người làm công ăn lương, nhân thân tốt, ông mong toà xem xét giảm hình phạt với họ.
Cựu phó tổng giám đốc PVN Trần Thị Bình trình bày đã cống hiến cho cho tập đoàn nhiều năm mà không tư lợi. Bà tham gia nhiều gói thầu của ngành dầu khí, trong đó có những dự án trị giá hơn 100 triệu USD. Trong dự án Ethanol Phú Thọ, bà không tham gia trực tiếp, không chỉ đạo quyết liệt để gây thiệt hại như cáo buộc.
9 bị cáo cáo còn lại trong lời nói sau cùng đã trình bày nhiều về nhân thân, thành tích. Nhiều bị cáo cho rằng là người làm công ăn lương, có vai trò mờ nhạt trong vụ án và không vụ lợi cá nhân.
Theo cáo buộc, năm 2007 ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.
VKS đề nghị phạt ông Thăng 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.
Cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị phạt 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm tù vềLợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.
9 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng đến 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.
Thanh Lam - Phạm Dự