Ngày xét xử thứ ba vụ án sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, trong phần tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhiều lần phủ nhận cáo buộc có sai phạm trong mua mảnh đất 3.400 m2 ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên một số tài sản của người nhà.
"Con trai tôi mua nhà trả góp, còn chưa trả ngân hàng được đồng nào nhưng lại bị tịch thu kê biên ngôi nhà đấy. Việc này không có căn cứ pháp luật", bị cáo khai. Chủ toạ ngắt lời, yêu cầu bị cáo chỉ tập trung vào phần tự bào chữa.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Thanh phủ nhận đã bàn bạc với bị cáo Đỗ Văn Hồng (Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc) tìm mua đất tại Tam Đảo. Theo đó, bị cáo Hồng định mua đất để đầu tư dự án sinh lợi nhưng chưa triển khai. Năm 2016, ông Thanh lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án nên mới nói vợ huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu.
Theo cáo buộc, ông Thanh cùng bị cáo Đỗ Văn Hồng thành lập Công ty PVC Kinh Bắc từ năm 2009. Hai người sau đó mua 3.400 m2 đất tại Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC. Ông Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng.
Để hợp thức việc cho vay tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, ông Thanh và Hồng đã làm các thủ tục chuyển 21 tỷ đồng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc. Ông Thanh bị xác định đã cố tình vi phạm các quy định trong luật doanh nghiệp để chuyển tiền cho PVC Kinh Bắc. Hành vi này gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC.
Liên quan sai phạm đấu thầu dự án Ethanol Phú Thọ, ông Thanh tiếp tục phủ nhận tham gia điều hành chuyện làm hồ sơ đề xuất với lý do "tháng 2/2009 đã bắt đầu đi học lớp bồi dưỡng theo chỉ đạo của tập đoàn". Bị cáo nhắc lại lời khai từ những phiên xét hỏi trước rằng "dự án thất bại do thiếu tiền, PVC không thiếu năng lực".
"Anh Thăng không sai gì khi chỉ định thầu cho chúng tôi. Công trình nào của tập đoàn PVN chúng tôi cũng xin thực hiện, còn được tham gia hay không là của chủ đầu tư", cựu chủ tịch PVC khai.
Ông Thanh bị xác định là "đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên". Cựu chủ tịch PVC biết rõ liên danh của mình không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu EPC của dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Thăng để ký nghị quyết đồng ý thực hiện dự án với giá hơn 59 triệu USD trong 18 tháng, dù trước đó đưa ra mức giá 85 triệu USD. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng. Dự án hiện đình trệ nhiều năm.
Trong số 10 bị cáo tự bào chữa chiều nay, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), trình bày lâu nhất với hơn một tiếng. Cho rằng bị cáo nói lại nhiều nội dung bị trùng lặp, HĐXX nhiều lần nhắc "đã trình bày nội dung này rồi, có thể bỏ qua".
Giữ nguyên toàn bộ lời khai của phần xét hỏi, đứng đọc tập tài liệu dày đã chuẩn bị từ trước, ông Hà khai chỉ làm theo chủ trương của PVN và chịu sự chỉ đạo của ông Thăng dù đã biết nhà thầu không đủ năng lực. Ông vì tin tưởng Tổ chuyên môn nên ký các văn bản liên quan hồ sơ yêu cầu, dù "không có chuyên môn đấu thầu". Cuối cùng, bị cáo Hà khai sau khi mình chấm dứt vai trò tại PVB cuối 2010, nhiều điều khoản của hợp đồng dự án Ethanol Phú Thọ ký với liên danh nhà thầu PVC đã thay đổi. Những thiệt hại kinh tế từ giai đoạn này, ông Hà không phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, bốn thành viên của Tổ chuyên gia, bị cáo Khương Anh Tuấn (cựu phó Phòng thương mại PVB), Lê Thanh Thái (cựu trưởng Phòng kinh doanh PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu kế toán trưởng PVB) khẳng định không biết họ là nhân sự của nhóm này. Bị cáo Thái nói quyết định thành lập do ông Hà ký tháng 3/2009 là quyết định không số, không dấu, chưa từng phát hành.
Các bị cáo trên bị VKS đề nghị mức án 30-36 tháng tù. Nêu việc bị tạm giam hơn 2 năm, giữ vai trò thứ yếu trong vụ án, họ có nguyện vọng được thả tự do ngay tại toà.
Ngày mai, phiên xét xử 12 bị cáo tiếp tục ngày làm việc thứ 4.
Thanh Lam - Phạm Dự