Chiều 9/3, trong ngày xét xử thứ hai của vụ án sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, được triệu tập về lại phòng xét xử lúc 18h, ông Thăng nói quyết định cách ly mình và Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch PVN) trong lúc VKS thẩm vấn 10 bị cáo còn lại là "không phù hợp".
"Siêu sao bóng đá vào sân còn cần vài phút làm quen", ông Thăng nói và đề nghị được tham gia toàn bộ phiên chất vấn để nắm trọn vẹn diễn biến.
Chủ toạ giải thích: "Trong các bị cáo có nhiều người từng làm việc dưới quyền của bị cáo nên HĐXX làm vậy nhằm đảm bảo tính khách quan của lời khai. Điều này đúng quy định pháp luật". Khi kết thúc phần xét hỏi, ông Thăng sẽ được tham dự phiên toà toàn thời gian. Cựu chủ tịch PVN sau đó cảm ơn chủ toạ, đứng chống hai tay vào bục bị cáo, tỏ ra bình tĩnh.
Trong 26 phút trả lời đại diện VKS và luật sư, ông Thăng hai lần nói "bác bỏ toàn bộ nội dung cáo trạng". Ông khai mọi quyết sách và hành động của PVN và của cá nhân đều đúng pháp luật, mục đích cuối cùng vì "sự phát triển của đất nước".
Cáo trạng buộc tội, trong cuộc họp ngày 10/2/2009, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án nhiên liệu sinh học, ông Thăng định hướng "ưu tiên giao thầu cho PVC các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí", trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ.
Trước cáo buộc này, ông cho rằng, cuộc họp trên mang tính chất nội bộ của PVN, "không hề có một từ "chỉ định thầu" nào trong cuộc họp".
Công tố viên trích dẫn chủ trương chung của PVN là "phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng các đơn vị trong ngành dầu khí", và chất vấn "vậy khi thực hiện có cần tuân thủ pháp luật không?". Ông Thăng ngập ngừng vài giây và khẳng định có. Ông nói tuy nhiên việc này cũng cân đối trong nền kinh tế thị trường, "đẩy mạnh doanh thu ngành dầu khí, theo chủ trương của Thủ tướng".
"Bị cáo có nhớ nội dung cơ bản của chủ trương này không?", kiểm sát viên hỏi. Ông Thăng đáp: "Tôi không nhớ. Nhưng tôi đã triển khai đúng". Cựu chủ tịch PVN nhiều lần khẳng định thực hiện đúng chức năng của Ban quản lý, chỉ đôn đốc tiến độ dự án, không can thiệp lựa chọn nhà thầu. "Thời đại 4.0 mà đưa quan điểm suy thoái độc tôn vào thì không được", ông nói lớn.
"Tôi phản bác toàn bộ cáo trạng. Động cơ của tôi chỉ nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Chính phủ, không vì mục đích nào khác", ông Thăng trình bày.
Theo cáo trạng, năm 2007 ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng.
Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol Phú Thọ và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng vẫn "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.
Sáng mai, phiên toà tiếp tục làm việc ngày thứ ba.
Đây là vụ án thứ 4 liên quan ông Đinh La Thăng xét xử. Năm 2018, ông bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương với các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng. Cuối năm 2020, ông tiếp tục bị TAND TP HCM phạt thêm 10 năm tù trong vụ án thứ ba, liên quan sai phạm bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Thanh Vân