BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, Trung tâm Tiết Niệu - Thận học (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho hay, trong số các phương pháp tán sỏi thì nội soi tán sỏi bằng ống cứng và bằng ống mềm ngày càng phổ biến, đang dần thay thế các phương pháp mổ truyền thống. Hai kỹ thuật này thường được áp dụng trong tán sỏi thận, niệu quản, bàng quang... Tùy vào kích thước và vị trí của sỏi, bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.
Nội soi tán sỏi bằng ống cứng
Là phương pháp sử dụng ống soi nhỏ và cứng giúp bác sĩ phẫu thuật dễ dàng đưa các dụng cụ vào bên trong khu vực cần thực hiện tán sỏi. Nội soi ống cứng giúp điều trị sỏi niệu quản ở nhiều vị trí khác nhau, hiệu quả cao nhất với sỏi ở vị trí 1/3 giữa và dưới, với tỷ lệ thành công hơn 90%.
Ưu điểm của phương pháp này là ống soi có thể đi lên đến niệu quản đoạn lưng, thậm chí bể thận. Nội soi ống cứng có kênh thao tác rộng, nước lưu thông tốt và thị trường quan sát rõ. Một số trường hợp có thể dùng máy soi nong miệng niệu quản để soi lên niệu quản tiếp cận sỏi.
Người bệnh sẽ được gây tê tủy sống, hoặc gây mê. Bác sĩ dùng máy laser tán sỏi thành các mảnh nhỏ để có thể dùng rọ lấy sỏi hoặc để bệnh nhân tự bài tiết qua nước tiểu. Sau tán sỏi, một ống thông có thể được đặt bên trong niệu quản, ống từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và đặt thông niệu đạo. Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân có vấn đề về ngoại khoa.
Nội soi tán sỏi bằng ống mềm
Tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm được chỉ định cho bệnh nhân bị sỏi thận đài dưới gây kẹt cổ đài, ứ nước đài dưới thận; sỏi thận sót hoặc tái phát; sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận sau tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống cứng, ống bán cứng và phẫu thuật nội soi sau phúc mạc...
Ưu điểm của phương pháp này là quá trình chăm sóc phẫu thuật nhẹ nhàng, hạn chế những vấn đề như nhiễm trùng, đau đớn; tỷ lệ sạch sỏi cao, ít bị sót sỏi, bảo tồn tối đa chức năng thận và không để lại sẹo nên đảm bảo tính thẩm mỹ...
Người bệnh được đặt thông niệu quản khoảng 4 tuần trước khi tán sỏi. Vào ngày phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê và đưa ống mềm nội soi vào khu vực cần tán sỏi. Sỏi được tán thành từng mảnh nhỏ bằng sóng laser. Mảnh sỏi được bơm rửa, lấy ra ngoài bằng rọ. Sau kiểm tra, nếu sỏi đã được lấy sạch, bác sĩ rút ống soi mềm, đặt thông niệu quản ngược dòng và hoàn tất quá trình phẫu thuật.
Theo bác sĩ Tiến Đạt, nội soi tán sỏi tuy rất an toàn nhưng cũng có thể có một số nguy cơ hay biến chứng nhất định. Tuy nhiên, hầu hết biến chứng đều không đáng kể. Do đó, trước khi thực hiện tán sỏi bằng phương pháp nội soi, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp thăm khám và chẩn đoán hình ảnh như tổng phân tích nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm, CT scan hệ niệu... để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
Hoàng Trang