Khoảng hơn 4 giờ chiều một ngày đầu tháng 4/2025, khi đang dừng tín hiệu đèn đỏ tại một nút giao thông lớn trong thành phố, tôi quan sát thấy một em học sinh nam ước chừng học lớp 8, 9 gì đó, điều khiển chiếc xe đạp điện, phía sau chở theo một bạn khác cũng đang dừng chờ đèn đỏ ngay kế sát xe tôi. Trong khoảng thời gian một phút, tôi thấy cậu học sinh kia đã "tranh thủ" ngủ gà ngủ gật, mắt lim dim. Và mãi cho tới khi đèn giao thông chuẩn bị chuyển xanh, cậu bạn ngồi phía sau giục giã, cậu học sinh cầm lái mới choàng tỉnh và vội vã phóng xe đi.
Sau khoảnh khắc đó, tôi chạy xe về nhà và mang rất nhiều suy nghĩ, thậm chí rất lo lắng cho tình trạng học sinh bị thiếu ngủ. Bởi lẽ nếu không thiếu ngủ thì làm sao các em phải gà gật ngoài đường như vậy? Chẳng nói đâu xa, ngay như con trai của tôi, năm nay đang học lớp 7, cũng đã có vài lần bị cô giáo chủ nhiệm phàn nàn, nhắc nhở vì rất hay ngủ gật trong lớp. Nhiều khi con ngủ say tới mức cô giáo phải tới tận nơi lay người, đánh thức dậy.
Mà cũng không riêng gì con trai tôi, tình trạng học sinh ngủ gật trong lớp đã và đang là thực trạng rất đáng lo ngại. Khi các em sẽ không đủ tỉnh táo để tập trung tiếp thu bài vở, kiến thức thầy cô truyền đạt, hậu quả sẽ là kết quả học tập sa sút. Ngoài ra, việc các học sinh thiếu ngủ, thường ngủ gà ngủ gật, thiếu quan sát, lại chạy nhanh vượt ẩu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường sẽ rất dễ gây tai nạn.
Qua thực tế quan sát cậu học sinh ngủ gật ở ngoài đường như câu chuyện kể trên, hay câu chuyện con trai tôi hay ngủ gật trong lớp học, cũng như lời kể của cô giáo chủ nhiệm lớp con về tình trạng học sinh thời nay thiếu ngủ, ngẫm ra tôi mới thấy nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên có lẽ là do tác hại của điện thoại thông minh và máy tính bảng.
>> Con tôi bốn năm liền 'đội sổ' trên lớp vì không theo kịp chương trình
Sở dĩ tôi nghĩ như vậy là vì trước kia con trai tôi vẫn thường sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng trong phòng ngủ riêng của mình. Vì tôn trọng quyền riêng tư của con nên vợ chồng tôi không hề biết rằng đằng sau cánh cửa phòng ngủ mỗi tối con thường xuyên thức chơi game, lướt web tới quá khuya, không chịu đi ngủ sớm, nên mới dẫn tới tình trạng thiếu ngủ triền miên, để rồi ngày hôm sau đến trường và ngủ gật.
Khi bị cô giáo nhắc nhở, và tìm ra "tác nhân" sâu xa của vấn đề, nên tôi đã tịch thu điện thoại và máy tính bảng của con mỗi tối trước khi con vào phòng ngủ. Mới đầu, con có khó chịu nhưng vẫn phải miễn cưỡng chấp nhận. Lâu dần việc phải đi ngủ sớm trở thành một thói quen với con, để đảm bảo cho giấc ngủ đủ, ngủ ngon, có sức khỏe và sự tỉnh táo để học tập tốt vào ngày hôm sau. Kể từ lúc tôi không cho con dùng điện thoại, máy tính bảng trong phòng ngủ nữa, tình hình đã được cải thiện rõ rệt.
Qua câu chuyện của con mình, tôi khuyên các bậc phụ huynh nói chung cần phải quan tâm lo lắng tới vấn đề này. Tuyệt đối không nên để con trẻ quá "nghiện" điện thoại thông minh cùng các thiết bị công nghệ khác. Cần phải giám sát chặt chẽ giấc ngủ của con, rèn con ngủ sớm làm một thói quen, và đặc biệt là không cho phép con trẻ được phép sử dụng thiết bị công nghệ trong phòng ngủ.
- Áp lực khủng khiếp khi con tôi học lớp 5 trường công
- Tôi khủng hoảng khi con vào lớp 1
- Học sinh lớp 9 ở Canada than khó với bài Toán lớp 7 Việt Nam
- Em tôi học kém vẫn đỗ đại học nhờ xét tuyển học bạ
- Tôi nhàn tênh vì con học như chơi suốt 12 năm ở Mỹ
- Tôi stress nặng vì con đuối dần do học vẹt