Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/11 công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó nhiều điểm mới về xét tuyển sớm. Cụ thể, các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, bắt buộc có Toán hoặc Văn, theo dự thảo của Bộ Giáo dục.
Cá nhân tôi cho rằng, điểm học bạ hiện tại rất thiếu chính xác, nó không phản ánh được năng lực thực chất của học sinh. Có em tổng kết học bạ 7, 8 phẩy nhưng kiểm tra thật có khi chỉ 3, 4 điểm. Ngày trước, ở cấp THPT, những lớp bình thường (không phải lớp chọn) chắc giỏi lắm được một, hai em đạt học lực giỏi và khoảng hơn chục em xếp loại khá. Điểm tổng kết trung bình chỉ khoảng 6,5 đến 7 phẩy là cũng thuộc học khá lắm rồi.
Giờ tôi thấy các lớp toàn 7, 8 phẩy nhưng các em có khi chẳng biết gì. Đừng nói sở trường với sở thích. Kiến thức căn bản phổ thông còn bập bẹ nói gì kiến thức đại học? Tôi có đứa em họ học dốt, nhưng vẫn đậu đại học nhờ xét tuyển học bạ. Học xong bốn năm, tốn mấy trăm triệu đồng của bố mẹ, nhưng khi ra trường em vẫn chẳng đi làm.
Tôi hỏi lý do thì em bảo: "Có biết gì chuyên môn đâu mà làm". Tôi không hiểu sao em vẫn có thể vào đại học rồi ra trường được với năng lực như thế? Giờ em đành cất tấm bằng đại học, xin đi bán hàng thuê cho người ta để kiếm sống qua ngày.
Có thể thấy, giờ để vào học đại học quá dễ dàng, nhưng chất lượng sinh viên thì rất tệ. Trừ mấy trường top đầu ra, còn lại đa phần những trường top dưới, xét tuyển bằng học bạ với mấy môn thi tốt nghiệp (điểm toàn 8, 9, 10) thì lấy đâu ra chất lượng thực tế?
>> Hai con tôi đỗ đại học nhờ học bạ đẹp
Dạo này, đi đâu tôi cũng thấy người ta hô hào, đấu tranh, đòi giảm áp lực học tập, giảm áp lực thi cử. Cấp một cũng đòi giảm, cấp hai cũng muốn giảm, thi vào 10 cũng đòi chỉ thi ba môn, xét tuyển đại học cũng yêu cầu giảm áp lực thi cử.
Khi học sinh không làm quen với những áp lực học tập đó, thử hỏi liệu các em có cố gắng hơn không? Không có áp lực thì chúng ta có tạo ra nhiều nhân tài hơn không? Và sau này đi làm, liệu những em đó có đòi hỏi không có áp lực mới làm được việc hay không? Hay cứ có áp lực là đòi nghỉ việc vì không quen chịu đựng từ nhỏ?
Với cấp một, cấp hai, tôi đồng ý rằng các cháu còn quá nhỏ, không cần tạo quá nhiều áp lực. Nhưng lên tới cấp ba, học sinh cũng cần phải lam quen dần với những áp lực cuộc sống, mà áp lực học tập mới là sự khởi đầu, chưa thấm vào đâu so với ngoài xã hội. Áp lực học tập chủ yếu là do các gia đình các em tự đặt quá nhiều kỳ vọng và gây sức ép cho con em mình, chứ chuyện chương trình học và thi cử theo tôi chẳng đến nỗi quá nặng nề.
Hiện nay, việc thi vào lớp 10 chỉ ba môn mà biết trước môn thi đã làm giảm đáng kể chất lượng giáo dục của các môn còn lại rồi. Lên cấp ba, định hướng khối thi cũng làm giảm luôn chất lượng các môn còn lại, vì học sinh chẳng cần học những môn đó nữa. Và dùng điểm học bạ để dùng xét tuyển đại học sẽ là rất thiếu công bằng với các học sinh ở những khu vực khác nhau.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc tuyển sinh đại học chỉ bằng điểm học bạ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không bỏ qua hoàn toàn điểm học bạ, để tránh việc học sinh học lệch, lười học các môn khác.
- 'Học lực 5 điểm vẫn cố vào đại học'
- Dùng học bạ xét tuyển đại học - 'siết đầu ra thay vì làm khó đầu vào'
- Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
- 'Học bạ 9 phẩy nhưng thi Toán không nổi 7 điểm'
- 'Xét điểm học bạ khiến thi cử thiếu công bằng'
- Những điểm 10 học bạ rỗng tuếch