Vì sao trung tâm dạy thêm 'tăng rất nhiều' sau Thông tư 29? Theo tôi nguyên nhân là do chương trình học còn quá nặng. Con tôi hết lớp 1 phải đạt đủ thứ tiêu chí, thế nên giáo viên mới cần bé phải biết chữ trước khi vào tiểu học. Nếu không con sẽ bị chậm hơn so với bạn bè trong lớp và không đạt yêu cầu của giáo viên.
Con tôi đang học cấp một tại một trường tiểu học công lập. Do con không học trước, không học thêm, nên đến lớp 4 vẫn viết chậm, không theo kịp bài trên lớp. Thành tích học tập của con cũng luôn lẹt đẹt, "đội sổ". Cách đây nửa năm, tôi buộc lòng phải cho đi học thêm lớp luyện viết ở trung tâm. Sau đó, con mới viết ổn.
Tất nhiên, tôi chấp nhận việc con bị điểm kém, không cố ép con học đều tất cả các môn. Tôi cũng chẳng hề gây áp lực lên giáo viên khi thấy con mình học dở, thua kém bạn bè. Ngược lại, con tôi mỗi tối đều được ở nhà chơi game, xem tivi. Vì tôi đâu thể tối nào cũng chở con đi chơi bên ngoài được. Nhà ở Sài Gòn cũng lấy đâu ra sân mà con tự chơi.
Nhưng tôi cũng không muốn còn đi học bị thua kém quá nhiều, bị bạn bè chê cười, chọc quê chỉ vì học dở. Thế nên tôi luôn phải động viên con, chỉ cho con đi học những thứ cơ bản để đủ theo kịp chương trình trên lớp.
>> Ảo mộng 'học thêm giúp học sinh đi nhanh hơn'
Tôi cho rằng, muốn giải quyết được triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, chỉ có một cách hiệu quả nhất là xem xét giảm tải chương trình học xuống. Theo đó, học sinh cấp một chỉ cần luyện viết, luyện nói và làm các phép tính cơ bản là được. Còn lại, nên dẹp hết mấy thứ cao siêu, không phù hợp với độ tuổi của các con.
Tôi không muốn con phải học quá nhiều, đến mức không có cả thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Cụ thể, con đã phải học hai buổi trên trường, tối về còn bắt học nữa thì có khác gì cho con học thêm đâu? Học thêm hay học tại nhà cũng đều là học, chỉ khác mỗi địa điểm. Thế nên, buổi tối, tôi không bắt con học, chỉ để con chơi thôi. Đến năm nay, con thấy buồn vì bị bạn bè chế giễu vì học dở suốt mấy năm qua, nên tự thấy phải chăm học hơn, tự lấy bài ra học, chứ tôi không ép.
Tất nhiên, tôi không phản đối chuyện dạy thêm, học thêm, vì nhu cầu của mỗi người, mỗi bé là khác nhau. Nhưng tôi không ủng hộ chương trình học trên lớp quá nặng như hiện giờ. Nhiều khi con tôi chưa rành cái này đã nhảy qua học cái khác.
Còn số lượng học sinh giỏi nhiều như hiện nay thì thử hỏi có phải do đi học thêm không? Chứ nghe giảng ở trong lớp, con tôi chỉ cần lơ đễnh một chút là đã hổng kiến thức, mất căn bản ngay rồi, thì sức đâu mà giỏi được? Chưa kể, trẻ con đâu phải bé nào cũng tập trung học hết 100% được. Thế nên, cái cần nhất lúc này là chương trình học phải phù hợp, đừng quá nhồi nhét. Lúc đó, các bậc cha mẹ sẽ tự biết cái gì là cần thiết cho con mình mà không cần phải cấm dạy thêm, học thêm.
Theo thông tin được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nêu tại hội nghị về triển khai Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm, chiều 28/3, 15.000 trung tâm, hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm ở Hà Nội, "tăng rất nhiều" và mức học phí cũng cao hơn trước, khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục có hiệu lực.
Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2. Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi. Với dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về học phí, thời lượng, môn học, thời gian, địa điểm... Cùng đó, thầy cô không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
- Tôi loay hoay khi con lớp 12 phải dừng học thêm giáo viên trên lớp
- Con tôi hốt hoảng khi thầy cô dừng dạy thêm
- Áp lực khủng khiếp khi con tôi học lớp 5 trường công
- Giáo viên có nhiệt huyết nếu bồi dưỡng miễn phí học sinh cuối cấp
- Con tôi không thể không đi học thêm vì chương trình nặng
- 'Toàn học sinh khá, giỏi, sao còn phải học thêm?'