Bạn tôi có con đi du học bên Canada. Hè vừa rồi, cháu được nghỉ nên về nước chơi. Khi xem sách Toán của đứa em đang học lớp 7 tại Việt Nam, cháu nói rằng "độ khó tương đương với lớp 9 bên đó". Bản thân tôi ra trường nhiều năm, đi làm ở vô số công ty lớn, nhỏ khác nhau, nhưng cũng không thấy kiến thức Toán thời phổ thông như tích phân, đạo hàm, giải tích, lượng giác... có giá trị sử dụng mấy trong công việc.
Tôi nghĩ, những kiến thức đó có thể đưa vào giảng dạy cho các em học những chuyên ngành chuyên sâu hơn (có liên quan) ở bậc đại học. Tức là, ngành nào cần thì hãy học. Còn giáo dục phổ thông thực sự không cần thiết phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức thiếu tính ứng dụng như vậy. Em nào giỏi Toán có thể học trường chuyên, lớp chọn để thi đội tuyển.
Kể cả với môn Vật lý hay Hóa học cũng nên xem xét giảm bớt những kiến thức quá cao siêu, nhưng không thực tế. Thay vào đó, dành thời gian dạy kỹ năng cho các em hoặc để các em có thêm thời gian theo đuổi môn năng khiếu, đam mê của bản thân thì hơn. Đó là cách tốt nhất để nâng tầm tư duy cho mỗi học sinh.
>> 'Cắm đầu' học giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không biết để làm gì
Tôi xem chương trình học của con mình, thấy có rất nhiều hiện tượng vật lý, phản ứng hóa học mà các con hầu như không được nhìn tận mắt hay tự mình thực hiện thí nghiệm. Với môn Mỹ thuật, con cũng không được đào tạo cụ thể về cách vẽ, xây dựng hình khối, mà bài tập đưa ra chỉ là cho các con tự vẽ theo một chủ đề. Vậy là em nào học thêm bên ngoài thì vẽ đẹp một chút, còn không thì vẽ theo kiểu tự phát. Môn âm nhạc cũng không có nhạc cụ để thị phạm cho học sinh. Môn Thể dục cũng chỉ quanh quẩn chạy bộ, đánh cầu lông, đá cầu chứ không có phòng tập để phát triển thêm...
Từ xưa, các cụ đã nói "Trăm hay không bằng tay quen", nhưng ngày nay, tôi thấy các em đi học thì phần lớn những thứ được dạy lại là chữ nghĩa, lý thuyết suông. Đó là lý do chúng ta bắt học sinh học nhiều mà giáo dục vẫn không hiệu quả.
Công ty tôi khi tuyển dụng nhân sự, vị trí kỹ sư, nhưng cứ năm bạn thì mới được có hai người là kỹ năng mềm tương đối ổn (biết cách quan hệ khách hàng, giỏi ứng biến trên công trường, viết email gửi khách, báo cáo công việc rõ ràng, rành mạch...). Còn lại đa số các em đều thụ động và thiếu kỹ năng mềm. Thế nên, thời buổi bây giờ mà chỉ giỏi giải bài tập thôi thì chưa thể gọi là đủ được.
VHLinh
- Tại sao bắt trẻ lớp một đọc thông, viết thạo, làm toán nhanh?
- Lãng phí nếu học Toán với tư duy 'chỉ cần biết cộng, trừ, nhân, chia'
- Hóa giải nỗi sợ học Toán
- Bài toán tiểu học ở Việt Nam làm khó học sinh cấp hai Australia
- 'Học sinh Việt phải học quá nhiều công thức Toán'
- Học giỏi Toán nhưng lương 'ba cọc ba đồng'