Nhiệm vụ chính của nhà giáo là dạy học sinh kiến thức, cách đối nhân xử thế. Nhìn qua, ai cũng nghĩ là đây là công việc rất đơn giản, nhưng thực chất lại rất mệt mỏi. Hơn nữa, vào thời đại ngày nay, giáo viên còn bị kiểm soát bằng những luật định, chế tài khác nhau khiến công việc của họ càng thêm áp lực. Gần đây nhất, trên mạng xã hội nổi lên vụ việc nam sinh thách thức giáo viên bằng câu nói: "Cô có giỏi thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!". Đây là thực trạng rất đáng buồn với ngành Giáo dục.
Ngoài ra, việc dành cả thanh xuân để cống hiến, gắn bó với nghề cao quý nhất nhưng lương của giáo viên thâm niên 17 năm lại thấp hơn so với những người làm công việc khác cũng là một bất cập. Đối mặt với thời đại công nghệ thông tin phát triển, ở các vùng nông thôn, bố mẹ thường phải đi làm công ty, để lại con cái cho ông bà nuôi, khiến những đứa trẻ càng trở nên khó dạy bảo, khó tiếp thu kiến thức do được nuông chiều. Vì vậy, trọng trách của giáo viên ngày trở nên nặng nề hơn khi việc dạy dỗ trẻ nhỏ không còn dễ dàng như trước.
Là giáo viên, ai cũng muốn mình có một cuộc sống đầy đủ, ít nhất có thể lo cho con cái những diều tốt nhất, nhưng thực tế, đó lại là một điều xa xỉ với không ít thầy cô bây giờ. Ngày còn thơ bé, tôi luôn ước mơ sau này sẽ trở thành một người giáo viên "vĩ đại" như ba mẹ của mình, có thể dạy các phân biệt những điều đúng - sai, phải - trái cho những mầm non tương lai của đất nước. Nhưng khi đã lớn lên và nhận thức được về nghề nhà giáo, cộng thêm những lời khuyên của bố mẹ, ước mơ của tôi vụt tắt.
>> Giáo viên 17 năm lương 8 triệu đồng
Mọi người xung quanh cứ bàn tán rằng "làm giáo viên giàu lắm, nhàn lắm", nhưng người ngoài cuộc sao có thể hiểu được họ vất vả như thế nào? Hết soạn giáo án, bài vở, lại đến tìm phương pháp phù hợp để dạy học sinh, giúp các em có thể tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu nhất. Mẹ tôi từng thức đến bốn giờ sáng chỉ để nghiên cứu bài vở của ngày hôm sau. Đôi mắt mẹ thâm đen, những vết nám, tàn nhang dần hiện rõ trên làn da của mẹ. Chưa kể mẹ còn thường xuyên bị viêm họng vì nói rất nhiều trên bục giảng.
Bố tôi - người đàn ông trụ cột của gia đình - cũng là một người thầy giáo mẫu mực. Bố luôn nghiên cứu những "mẹo" hay để dạy học sinh dễ hiểu bài nhất. Gắn bó với nghề, tóc bố bạc dần do bụi phấn và những âu lo, suy nghĩ, trăn trở với các thế hệ học trò. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi những giấc ngủ vội của bố mẹ.
Để có tiền trang trải cuộc sống, lo học phí cho các con, bố mẹ tôi đã phải dùng thời gian rảnh của mình để đi làm thêm nhiều nhất có thể. Những đêm giông bão ở miền Bắc, sấm chớp dữ dội, họ vẫn phải đi giao hàng cho mọi người để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người nói, nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất của cuộc đời, vậy tại sao nghề cao quý như vậy lại phải vất vả đến thế?
Qua bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nghề nhà giáo không khác gì khi chúng ta tham gia giao thông, chỉ cần một phút bốc đồng, thiếu kiềm chế, người giáo viên có thể mất nghề. Sự nhạy cảm của nghề giáo đặt ra yêu cầu với các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp để chia sẻ gánh nặng với cá thầy cô giáo, giúp hạn chế tình trạng giáo viên giỏi rời bỏ nghề dạy học như hiện nay.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.