Filler là những chế phẩm tổng hợp hoặc sinh học dùng để thay thế hoặc làm tăng thể tích bị mất của da và mô mềm. Mỗi loại filler được điều chế để khắc phục dấu hiệu lão hóa hoặc các vấn đề thẩm mỹ khác nhau.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết chất làm đầy vĩnh viễn là silicon bị cấm sử dụng trên cơ thể người từ lâu nên không được phép tiêm. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận và cấp phép cho tiêm filler ở người từ 22 tuổi trở lên cho 4 vị trí ở mặt là má, cằm, môi và rãnh cười (các đường kéo dài từ hai bên mũi đến khóe miệng).
Cụ thể, filler được FDA chấp thuận là loại chất làm đầy mà cơ thể có thể hấp thụ, tức là có thể làm đầy tạm thời các vùng trên khuôn mặt. Filler được sử dụng để làm đầy các nếp nhăn và nếp gấp tĩnh trên mặt như rãnh cười hoặc làm tăng kích thước cũng như tạo hình cho vùng cho môi, má, cằm.
Bác sĩ Châu lưu ý riêng vùng rãnh cười nếp gấp mũi má được phép tiêm nhưng cần rất cẩn trọng. Bởi đường đi của động mạch mặt (mạch máu quan trọng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho vùng mặt) có nhánh chạy song song với nếp gấp mũi má và thông nối với động mạch mắt. Khi tiêm chất làm đầy quá nhiều vào rãnh cười có thể chèn ép mạch máu quan trọng này gây thiếu máu, hoại tử vùng da mà mạch máu chi phối. Nếu tiêm lệch filler vào động mạch mặt, gây thuyên tắc mạch, nhất là tắc mạch máu võng mạc, biến chứng mù mắt.
Các trường hợp tiêm ở vị trí khác trên khuôn mặt như thái dương, mũi, hốc mắt, trán, cổ... hay trên cơ thể như tăng kích thước ngực, mông, bàn chân, hay cấy ghép vào cơ, gân... đều chưa được FDA chấp thuận. Bởi tiêm vào các vị trí này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, như đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, tắc mạch máu gây hoại tử, biến dạng vĩnh viễn không thể hồi phục, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ Châu, tiêm filler có thể cho thấy rõ sự khác biệt ngay sau khi thực hiện, không tốn thời gian nghỉ dưỡng với chi phí hợp lý. Đây là kỹ thuật làm đẹp nội khoa thao tác nhanh, ít xâm lấn, ít đau, an toàn, ít tác dụng phụ nếu thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu đã được đào tạo chính quy, có chứng chỉ tiêm filler, cơ sở y tế đảm bảo quy trình vô khuẩn và sử dụng sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép sử dụng.
Làm đẹp má, cằm, môi và rãnh cười bằng tiêm filler không có tác dụng vĩnh viễn. Thời gian hiệu quả tùy thuộc vào sản phẩm filler được sử dụng, vùng tiêm, độ phân giải của filler và cách chăm sóc da của mỗi người. Khi tiêm chất làm đầy có thể xảy ra một số tình trạng như chảy máu, bầm tím, sưng và đau tại chỗ tiêm vài ngày, ngứa hoặc nổi mề đay. Rủi ro nghiêm trọng khi tiêm filler rãnh cười là hoại tử da và thuyên tắc động mạch.
Người có nhu cầu làm đẹp bằng filler nên tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để được bác sĩ tư vấn liệu trình phù hợp, tránh biến chứng.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |