BS.CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tái tạo da là phương pháp loại bỏ lớp tế bào hư tổn bên ngoài; thúc đẩy tăng sinh collagen; cải thiện da mụn; lỗ chân lông to; làm mờ nếp nhăn, tàn nhang, chậm quá trình lão hóa. Hiện, có nhiều phương pháp tái tạo da từ đơn giản đến phức tạp. Tùy từng loại da mà bác sĩ sẽ tư vấn cách thức phù hợp.
Một quá trình tái tạo da tự nhiên phải mất hơn 20 ngày. Theo bác sĩ Tường Duy, không ít chị em đã tìm đến những phương pháp hiện đại nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo da nhanh hơn.
Tái tạo da bằng laser: Đây phương pháp sử dụng tia laser để cải thiện và điều trị các khuyết điểm trên da. Kỹ thuật laser hướng các chùm ánh sáng vào vùng mắc khuyết điểm, tái tạo bề mặt da bằng cách loại bỏ các lớp da cũ và thúc đẩy sản sinh collagen. Khi các tế bào mới hình thành, làn da trở nên tươi trẻ, mịn màng hơn.
Mặt nạ hóa học: Loại mặt nạ này giúp điều trị các vấn đề da như sẹo thâm, lão hóa, tăng sắc tố. Phương pháp này sử dụng alpha hydroxy axit (AHA) hay beta hydroxy axit (BHA), axit salicylic để làm bong vảy các lớp biểu bì, kích thích quá trình tái tạo bề mặt da. Phương pháp này nên được thực hiện tại các cơ sở uy tín để đảm bảo quá trình tái tạo da an toàn, hạn chế những biến chứng không đáng có.
Mặt nạ hóa học còn có thể thúc đẩy tái tạo da tự nhiên bằng việc sử dụng các nguyên liệu dễ kiếm như mật ong, sữa chua, yến mạch... Những nguyên liệu này có khả năng tái tạo và bổ sung dưỡng chất để nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang tính tạm thời và phải duy trì trong thời gian dài mới hiệu quả.
Bác sĩ Tường Duy khuyến cáo tái tạo da tuy mang lại những hiệu quả đáng kể nhưng không nên thực hiện thường xuyên. Tùy vào từng loại da mà thời gian lặp lại chu trình tái tạo sẽ khác nhau. Nếu thực hiện tái tạo da liên tục trong thời gian ngắn, da sẽ mỏng, yếu và dễ tổn thương trước những tác động từ môi trường. Để phương pháp này mang lại hiệu quả và hạn chế tổn thương sau tái tạo, người bệnh cần chăm sóc da theo hướng dẫn và tái khám.
Bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt có độ pH phù hợp hoặc dùng một miếng gạc ngâm trong dung dịch muối pha loãng giúp giữ da sạch. Cách này còn giảm thiểu tế bào chết, vi khuẩn và bụi bẩn, từ đó hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Dưỡng ẩm cho da bằng cách uống nhiều nước, đắp mặt nạ và thoa kem dưỡng ẩm.
Thoa kem chống nắng hằng ngày có chỉ số SPF từ 30 trở lên kết hợp với các phụ kiện như mũ, kính râm nhằm hạn chế tác hại của tia UV đến làn da mới tái tạo. Bạn nên hạn chế ra ngoài trong khoảng 10h đến 16h.
Người đang bị nhiễm trùng, nhiễm virus hoặc có vết thương hở; sẹo lồi; da mỏng, nhạy cảm; có bệnh nền nặng hoặc đang dùng thuốc isotretinoin; phụ nữ có thai không nên tái tạo da.
Nguyễn Vân