Vậy là một mùa thi nữa lại đến. Mỗi năm, cứ đến thời gian này, báo chí lại đầy rẫy những câu chuyện học hành, thi cử. Các hội nhóm phụ huynh cũng chuyện trò sôi nổi. Tựu trung lại, tôi thấy đa phần ý kiến vẫn là: "trẻ con ngày nay học nhiều quá", "học cái này để làm gì, cái kia để làm gì"... Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này.
Dạo một vòng trang Ý kiến, sẽ không khó để bắt gặp các bài viết, hoặc bình luận với nội dung than phiền rằng "bây giờ trẻ con học nhiều quá", "phải dậy sớm đi học, ngủ không đủ giấc"... rồi "giáo viên cho nhiều bài tập quá", "không biết giải bài tập nhiều như vậy rồi có ứng dụng được vào cuộc sống không?", "học Toán nhiều quá làm gì, sau này đi làm cũng chỉ cần cộng, trừ, nhân, chia, cái nào khó quá thì có máy tính, hỏi AI là ra"...
Chưa hết, than phiền nội dung môn học chưa đủ, nhiều vị phụ huynh còn chất vấn: "Sao lại phải rèn chữ đẹp? Bây giờ có ai viết chữ tay nữa đâu, toàn đánh máy tính cả". Và mới đây, tôi còn bắt gặp cả ý kiến "nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp hai", vì thấy "học sinh THCS bây giờ phải thi vất vả quá, thi khó quá mà có khi còn bị rớt".
Tổng hợp lại những ý kiến trên, tôi chủ quan tạm kết luận rằng, ý của các vị phụ huynh bây giờ là: học sinh nên và cần học ít lại, chơi nhiều hơn, tuy nhiên vẫn phải trở thành kỹ sư, bác sĩ, trở thành một con người đủ giỏi để tồn tại trong thế giới đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt?
10 năm sau, khi những cô cậu học sinh cấp hai bây giờ trưởng thành, lúc đó, tôi nghĩ rằng các bạn trẻ ấy không chỉ phải cạnh tranh công việc giữa người với người (ở thị trường việc làm trong nước, và cả nguồn lao động chất lượng cao từ nước ngoài), mà còn phải cạnh tranh công việc với cả máy móc, với AI, với robot.
Vậy thì, các vị phụ huynh thử nghĩ xem, nếu chiều theo ý kiến cho học sinh bớt học lại, chơi nhiều hơn, ngủ kỹ hơn, thì 10 năm nữa, con em các vị sẽ ra sao? Với một chuyện đơn giản là "đi học sớm" mà nhiều người còn không làm được, thì làm sao rèn giũa sự kỷ luật, luyện tập tính trách nhiệm trong công việc sau này?
>> Trách giáo viên không dạy học sinh lắp bóng đèn
Tôi là một 9X, độ tuổi của tôi có lẽ cũng ngang ngửa những phụ huynh đang hoạt động sôi nổi trên VnExpress. Vì lẽ đó, tôi nghĩ chúng ta cũng đã cùng trải qua quãng đời học sinh tương đối giống nhau: sáng dậy sớm đi học, ngày học hai ca, buổi tối còn phải đi học thêm. Thời gian tôi học lớp 12, có những hôm sáng 6h30 đã đi học, 21h mới về đến nhà. Việc học cũng gian nan, cực khổ chứ nào có sung sướng gì.
Chúng ta cũng từng cực khổ, từng lo âu, từng thức khuya dậy sớm ôn bài, và rồi chúng ta cũng vẫn vượt qua được. Vậy cớ gì bây giờ các bạn lại muốn tước đi "trải nghiệm" đó của con em chúng ta?
Thời học sinh học cực, nhưng mà vui. Bây giờ còn là học sinh, nỗi "cực khổ" chỉ nằm trên những trang giấy trắng. Sau này khi trưởng thành, cuộc sống sẽ ném vào ta trăm nỗi lo toan bộn bề. Nếu từ thời học sinh đã không được rèn luyện, thì sau này làm sao đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống?
Việc học ở trường cốt không nằm ở học nội dung, mà là học sự tư duy giải quyết vấn đề, học để biết cách người xưa giải quyết những vấn đề trong quá khứ. Từ đó, đúc rút tri thức để tự mình giải quyết các vấn đề trong tương lai. Nếu bây giờ chúng ta vì một chút khó khăn, một chút lười biếng, một chút cám dỗ mà bỏ bê việc học, thì tương lai sau này sẽ bỏ bê chúng ta.
Bạch Nhật
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Ép con phải đạt 8.0 IELTS trong hai năm dù tiếng Anh bập bẹ'
- Cú sốc 'duy nhất con mình chưa biết chữ khi vào lớp 1'
- Tôi bằng lòng dù con 'mù chữ' khi vào lớp 1
- Tôi không cho con học mầm non làm bài tập về nhà
- 'Chán học vì những năm tháng thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ'
- Tôi sẵn sàng gây áp lực để con không bằng lòng với việc học kém