Trên Facebook hay những nhóm cộng đồng của phụ huynh, tôi thường xuyên bắt gặp những bài viết chia sẻ của các bậc cha mẹ về thành tích của con mình. Song, phía sau những lời tán dương, chúc tụng ấy lại là cả một áp lực to lớn dành cho mỗi đứa trẻ.
Đầu tư 'khủng' chỉ vì muốn con đứng nhất lớp
Những đứa trẻ lớn lên mỗi ngày, cần phải học tập để "ấm thân" sau này. Đó là điều mà các bậc phụ huynh luôn tâm niệm. Song, có những đứa trẻ chỉ vì bố mẹ không những cần con học giỏi mà còn phải đứng đầu lớp, nên ngoài việc học trên lớp, các con về nhà còn phải học thêm gia sư "một kèm một" mỗi môn.
Tất nhiên, việc đầu tư cho con học hành là chính đáng. Nhưng ép quá có khi lại phản tác dụng. Có phụ huynh cho con học cấp ba một trường tư ở Hà Nội tâm sự với tôi rằng: "Trước đây tôi chỉ muốn con chăm học vì cấp ba là bước đệm lớn nhất cho con đi du học. Việc tôi ép con học đã giúp con có điểm số tốt. Lớp 10, con đứng trong top 3. Đến lớp 11 con quyết tâm lên vị trí số 1, nên nhiều đêm thức trắng đến 4h sáng để học".
Thế nhưng, việc con học ngày học đêm, mất ngủ, cộng hưởng với việc lên lớp không giao tiếp với bạn bè thầy cô đã khiến vị phụ huynh này phải thốt lên: "Giờ tôi không cần con phải đứng nhất lớp nữa, mà chỉ cần con khỏe mạnh, nắm vững kiến thức là đủ. Vì cứ tiếp tục như thế này, tôi sợ con ốm, áp lực lại khiến con bị tự kỷ mất".
Vị phụ huynh trên đã may mắn khi nhận ra sai lầm kịp lúc, hiểu rằng con cái là điều quan trọng nhất, việc phát triển toàn diện của một đứa trẻ mới là thành công của bố mẹ. Còn lấy thành tích của con cái để phô trương chỉ là một thứ trang sức "ảo" bố mẹ khoác lên mình.
Một phụ huynh khác mà tôi quen cũng đầu tư không kém khi muốn con mình nhanh chóng đạt 8.0 IELTS. Người này không những đầu tư cho con học trường quốc tế, mà mỗi kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết đều đầu tư một gia sư tại nhà để bổ trợ cho con. Chưa kể, cứ dịp hè, phụ huynh này lại cho con đi học ngoại ngữ ở Singapore hoặc Philippines. Nhưng vấn đề là ở chỗ người này lại không biết xuất phát điểm của con mình khá thấp, năng khiếu hạn hẹp, nên học mãi cũng chỉ đạt 6.0 IELTS.
>> Tôi cho con học hai ngoại ngữ một lúc ngay từ 7 tuổi
Thành tích của con chỉ nên là niềm tự hào của cha mẹ
Việc chia sẻ những thành tích của con trên mạng xã hội là điều bình thường và dễ hiểu. Bởi những thành tích đó là niềm tự hào của chính các con và phụ huynh. Qua đó, những câu chuyện này cũng truyền cảm hứng cho những bậc phụ huynh và con cái của họ để cố gắng học tập, hoàn thiện mình. Song, nhiều phụ huynh lầm tưởng niềm tự hào đó với món "trang sức". Việc ép con phải gồng mình để đạt được các thành tích như mong đợi của cha mẹ vô tình đặt một "tảng đá" đè nặng lên đôi vai của đứa trẻ.
Có những đứa bé vì để bố mẹ vui nên phải cố giữ thành tích đứng nhất lớp, dùng mọi cách gắng gượng, học ngày học đêm. Để rồi, nếu như không làm hài lòng cha mẹ, những đứa trẻ đó sẽ tự tạo một suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Một khi đứa trẻ đã trở nên tiêu cực trong mọi góc nhìn, chúng sẽ cho rằng, thầy cô, bạn bè không coi trọng sự cố gắng của chúng. Lâu dần, đứa trẻ ngộ nhận mình luôn xuất sắc, mình không đạt được vị trí nhất lớp là do thầy cô thiên vị... Hàng loạt những suy nghĩ đó, khiến đứa trẻ hình dung hàng loạt câu chuyện tiêu cực về thầy cô và bạn bè, đồng thời có nhiều hành động xấu kèm theo.
Thế nên, trước lúc "chạy đua" một thành tích nào đó, mỗi bậc cha mẹ nên ngồi xuống, hỏi con mình xem chúng có muốn điều đó hay không? Những mục tiêu đó có nằm trong khả năng của con hay không? Bởi, chúng ta không thể ép một đứa trẻ rỗng kiến thức từ cấp hai, nhưng lên cấp ba lại phải là học sinh đứng top 1 của lớp. Chúng ta không thể ép một đứa trẻ tiếng Anh bập bẹ mà trong hai năm lớp 10 và 11 phải đạt được 8.0 IELTS...
Hãy trò chuyện cùng con, hãy hiểu rõ con là ai và con muốn gì? Và sau đó, hãy để con tự vận động, tự nỗ lực, cha mẹ chỉ nên là người định hướng.Có như vậy, khi con đạt được một kết quả nào đó, nó sẽ là một niềm tự hào lớn lao với không chỉ bố mẹ mà còn với chính con.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Luật sư 15 năm kinh nghiệm vẫn thất nghiệp vì kém tiếng Anh
- Không lo thất nghiệp nếu giỏi tiếng Anh
- Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
- 'Học sinh Việt phải học tiếng Anh từ quá sớm'
- Mất cơ hội việc làm vì 'giỏi chuyên môn, kém tiếng Anh'
- Tôi chẳng biết học tiếng Anh để làm gì