"Tôi là giáo viên dạy Vật lý nên hiểu rằng, do cách thi cử hiện nay, với đề bài chủ yếu thi về công thức, nên học sinh học theo kiểu học vẹt, không hiểu bản chất. Mặc dù tôi dạy rất kỹ và yêu cầu các em hiểu bản chất vấn đề, nhưng các em không nghe.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều khóa học online hấp dẫn với những tiêu đề như 'giải nhanh', 'chỉ cần một công thức sẽ giải được tất cả bài tập điện xoay chiều'... càng làm các em học sinh lao theo hướng học mẹo đó, mà không học bản chất. Cái học sinh cần là điểm cao trong kỳ thi tuyển chứ không phải áp dụng được gì vào cuộc sống sau này.
Thậm chí, có trường hợp thầy giáo dạy bản chất và làm thực hành nhiều còn bị phụ huynh xin đổi vì con họ thi được điểm không cao. Tôi cũng có thời gian ngắn dạy nghề điện ở lớp 11 vì trường không có giáo viên. Tôi dạy học sinh lắp bóng đèn nhưng khi nộp sản phẩm nhiều em nhờ bố mẹ lắp cho, vì các em coi đó là môn phụ và làm cho qua là được".
Đó là chia sẻ của độc giả Phạm Minh về thực trạng dạy và học hiện nay sau bài viết "Học sinh học giải mạch điện nhưng không lắp được cái bóng đèn". Học nặng về lý thuyết, ít thực hành, chủ yếu tập trung vào giải đề theo công thức cũng là nỗi trăn trở kéo dài của nhiều phụ huynh lẫn những người làm giáo dục.
Cho rằng vấn đề nằm ở chương trình giáo dục hiện tại chưa coi trọng việc áp dụng kiến thức vào thực tế đời sống, bạn đọc Thanh Y nhận định: "Đúng là chỉ có những người trong nghề mới hiểu bản chất của thực trạng này. Ngoài việc học sinh cần điểm số thì để dạy kỹ năng áp dụng kiến thức vào cuộc sống, các em cần nhiều thời gian để thực hành. Nhưng hiện nay chương trình đã quá nặng, không có thời gian, dụng cụ để cho học sinh thực hành. Thậm chí, nếu có dụng cụ cũng chưa chắc đủ điều kiện, thời gian để chỉ tận tay cho các em làm theo.
Có cô giáo dạy lớp 9 nói với tôi rằng: 'Ngoài ba môn thi vào lớp 10 thì các môn khác các em gần như bỏ qua. Có nhắc thì các em nói rằng phải tập trung thi vào lớp 10 đã, chứ học giỏi các môn khác mà trượt lớp 10 thì có ích gì?'. Tôi cũng dạy nghề cho học sinh lớp 11. Có vài em học thực hành rất nhanh, chỉ hướng dẫn 1-2 lần là biết làm. Nhưng có nhiều em 5-7 lần tháo ra lắp vào cái bóng đèn. Thực tế, nhiều người học rất giỏi lý thuyết nhưng không thực hành thì cũng chẳng làm được. Vấn đề ở đây là chương trình học không có thời gian cho việc đó nên giáo viên không thể dạy, chứ vấn đề không nằm ở giáo viên".
>> 'Giải Toán khó trong 10 phút, mất cả buổi thay bóng đèn'
Trong khi đó, với cái nhìn khác về câu chuyện dạy thực hành cho học sinh, độc giả Plutino cho rằng: "Tôi thấy giải mạch điện thì trường học dạy là đúng rồi, nhưng lắp cái bóng đèn thì nên học ở gia đình. Có một số kỹ năng không cần học ở đâu xa xôi mà chính cha mẹ cũng có thể dạy con cái mình, như: nấu ăn, làm bánh, lắp đặt và sửa điện nước, đồ điện gia dụng, sơn sửa nhà cửa, thay vỏ xe đạp...
Chúng ta đâu thể đùn đẩy những trách nhiệm này cho nhà trường hết được. Kiến thức có thể học ở trường, nhưng 'nghề' là phải học ở trường nghề hay tự học sinh mày mò. Không có trường nào dạy kỹ sư điện tử sửa tivi, dạy kỹ sư viễn thông sửa điện thoại, dạy kỹ sư xây dựng xây nhà, dạy kỹ sư tin học sửa máy tính cả. Nên chúng ta phải hiểu rõ cái gì học ở đâu, chứ cứ bắt trường phổ thông phải dạy hết thì bao nhiêu cho đủ?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hachi Bụng Bự phân tích: "Giáo dục là nhiệm vụ của cả phụ huynh lẫn nhà trường, và vai trò phụ huynh chắc chắn là nhiều hơn vì học sinh chỉ ở trường vài tiếng đồng hồ mỗi ngày thôi. Sách vở chỉ mô tả đặc điểm quả bí, quả bầu và cho xem hình thôi, còn bạn phải là người cho con ra vườn xem tận mắt, nấu cho con ăn thử để phân biệt, chứ nhà trường không có nghĩa vụ đấy
Tương tự, sách vở ở trường chỉ dạy nguyên tắc vật lý, còn nếu bạn muốn con thực hành lắp bóng đèn thì phải tự mua về, làm mẫu mà dạy cho con. Hoặc đơn giản là nếu bạn định hướng cho con sau này làm thợ điện thì hãy đưa con vào trường dạy nghề, ở đó người ta sẽ cho thực hành".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Cú sốc 'duy nhất con mình chưa biết chữ khi vào lớp 1'
- Tôi bằng lòng dù con 'mù chữ' khi vào lớp 1
- Tôi không cho con học mầm non làm bài tập về nhà
- Tôi sẵn sàng gây áp lực để con không bằng lòng với việc học kém
- Tôi không để con trốn tránh áp lực học tập
- Tôi học như một con rối vì nhiệm vụ điểm cao